"Chúa Giê-xu đáp rằng: Trong khi chàng rể còn ở với bạn hữu đến mừng cưới, thì những bạn hữu đó có thể buồn rầu được ư? Nhưng đến ngày nào chàng rể sẽ bị đem đi khỏi họ, thì họ mơí kiêng ăn" (c. #15).
Câu hỏi suy ngẫm: Chàng rể và bạn hữu, Chúa Giê-xu nói đây chỉ về ai? Người ta cần có thái độ nào khi sống với "chàng rể"? Bên cạnh niềm vui, họ phải đối diện với thử thách nào? Bạn sẵn sàng để sống và trả giá chưa? Tại sao? Cần chuẩn bị gì?
Đối với người Do Thái: bố thí, cầu nguyện và kiêng ăn là ba công việc lớn của đời sống tôn giáo. Chúng ta đọc đầy đủ sự kiêng ăn của người Do Thái khi đọc Ma-thi-ơ 6:16-18. Khi người ta hỏi tại sao Chúa Giê-xu và các môn đệ Ngài không kiêng ăn, Ngài đáp bằng một hình ảnh sinh động. Chữ "bạn hữu đến mừng" dịch sát tiếng Hi Lạp là "con cái của phòng hoa chúc". Đám cưới Do Thái là một dịp yến tiệc đặc biệt tưng bừng. Đặc trưng độc đáo là đôi tân hôn không đi xa hưởng tuần trăng mật mà ở nhà trong thời gian đó. Suốt cả tuần sau lễ cưới, nhà mở cửa tiếp khách; chàng rể và cô dâu được gọi là vua và hoàng hậu, và cũng được đãi như vua và hoàng hậu; và bạn hữu thân cận nhất được gọi là "con cái của phòng hoa chúc" (bạn hữu chàng rể). Trong dịp đó, nhiều người bạn nghèo, thanh bạch được dự yến tiệc vui mừng, với thức ăn đầy dẫy mà có thể cả đời họ chỉ có một lần. Chúa Giê-xu ví sánh mình là chàng rể và các môn đệ Ngài là các bạn thân nhất của chàng rể. Như vậy làm sao đoàn người như thế lại có thể buồn thảm và nghiêm nghị được? Không có chuyện kiêng ăn mà chỉ có niềm vui mừng trọn đời. Đoạn sách này có những ý nghĩa trọng đại.
Ở với Chúa Giê-xu là một niềm vui , có Ngài là có sự phấn khởi sinh động trong cuộc sống. Không thể có một Cơ Đốc giáo buồn tẻ. Người bước đi với Chúa Giê-xu là buớc đi trong sự vui mừng tươi sáng. Chỉ có Chúa Giê-xu là Đấng hôm qua, ngày nay và đời đời không thay đổi, chỉ mình Đức Chúa Trời còn lại giữa mọi biến cải của cuộc đời. Những mối tương quan thân thiết nhất của loài người một ngày kia sẽ chấm dứt, duy chỉ niềm vui của thiên đàng còn lại đời đời và nếu chúng ta đã có niềm vui đó trong lòng thì không ai cướp mất được.
Nhưng đây cũng là một thách thức. Có lẽ lúc đó môn đệ không nhận ra, nhưng đây là điều Chúa Giê-xu nói với họ: "Các ngươi đã kinh nghiệm niềm vui trong những ngày theo ta, nhưng các ngươi có dám đi qua những bối rối, khó nhọc và đau khổ của thập giá dành cho Cơ Đốc nhân không?" Con đường Cơ Đốc nhân đem lại sư vui mừng nhưng cũng là con đường đầy máu, mồ hôi và nưóc mắt. Tuy vậy, niềm vui không thể nào mất được. Dù sao, chúng ta vẫn phải đương đầu với những gian nan đó. Vì thế, Chúa Giê-xu nói: "Ngươi đã sẵn sàng cho cả hai chưa, cả niềm vui Cơ Đốc lẫn thập giá?"
Câu nói này cũng thể hiện sự can đảm của Chúa Giê-xu; không bao giờ Ngài sống trong ảo tưởng. Ngài thấy thập tự giá đang chờ đợi ở cuối đường. Tại đây bức màn kéo lên, Ngài biết rằng đối với Ngài con đường sự sống là con đường thập giá. Tuy nhiên Chúa Giê-xu không hề trốn tránh con đường đã định. Đây chính là can đảm của người biết giá phải trả khi đi con đường của Đức Chúa Trời nhưng vẫn dấn thân bước tới.
Lạy Chúa, chỉ ở trong Ngài mới có niềm vui vĩnh cửu, dù đường lối có lắm chông gai, xin cho con nắm vững chân lý này mà tiến.
(c) 2024 svtk.net