Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 25

Tấn Bi Kịch Giăng Báp-tít

Ma-thi-ơ 14:1-12

"Vì Giăng có can vua rằng: Vua không có phép được lấy người đó làm vợ...Vua bèn sai người chém Giăng trong ngục." (c. #4,10)

Câu hỏi suy ngẫm: Hê-rốt lo sợ điều gì khi Giăng còn sống? Hê-rốt lo sợ điều gì khi nghe về Chúa Giê-xu? Tại sao Hê-rốt chém đầu Giăng? Điều này bộc lộ bản tính nào của Hê-rốt? Có khi nào nỗi lo sợ khiến bạn có hành động tội lỗi không? Chúng giúp gì cho bạn?

Trong câu chuyện về cái chết bi đát của Giăng Báp-tít như Ma-thi-ơ thuật lại, những nhân vật trong vở kịch được mô tả rõ ràng và sống động.

1. Giăng Báp-tít. Giăng là người luôn nói lên sự thật, dù sự thật không ai ưa thích. Lên án một vị vua đông phương luôn luôn là điều nguy hiểm. Khi quở trách vua Hê-rốt, Giăng đã ký bản án tử hình cho chính mình. Giăng là người mạnh dạn lên án điều ác ở bất cứ nơi nào ông thấy. Khi John Knox bênh vực những nguyên tắc của mình chống lại nữa hoàng Mari, bà hỏi ông rằng chống lại quyền bính của các bậc cầm quyền ông nghĩ có đúng không? Ông trả lời rằng: "Thưa bà, nếu bậc vua chúa vượt quá giới hạn của mình thì họ có thể bị chống đối và có thể bị phế bỏ nữa." Thế giới chịu ơn rất nhiều những bậc vĩ nhân đã coi thường mạng sống của mình, đã can đảm nói với các vị vua chúa rằng có một luật đạo đức mà bất cứ ai vi phạm cũng sẽ bị thiệt hại. Hê-rốt giết Giăng vì ông đã nói lên sự thật. Lại nữa có nhiều người kéo đến tụ họp quanh Giăng, họ hết sức cảm động khi nghe ông rao giảng. Hê-rốt lo sợ ảnh hưởng lớn lao của Giăng trong dân chúng, ông giết Giăng vì nghi ngờ và sợ hãi.

2. Hê-rô-đia. Bà là mối nguy hại cho Hê-rốt. Tại đây chúng ta thấy Hê-rô-đia phạm ba tội. Bà là người lăng loàn, bất trung, là người đàn bà căm thù, nuôi cơn giận của mình và tìm cách trả thù mặc dầu bà bị lên án đúng. Tệ hơn nữa là bà đã không ngần ngại sử dụng ngay con gái mình để thực hiện mục đích báo thù. Không còn gì để nói về những người làm cha mẹ đã xô đẩy con cái vào tội lỗi nhằm đạt vài mục tiêu cá nhân xấu xa của mình.

3. Sa-lô-mê con gái Hê-rô-đia. Chắc nàng còn trẻ, khoảng mười sáu, mười bảy tuổi. Dù sau này cô ta có thể là gì chăng nữa, thì trong câu chuyện này, rõ ràng nàng bị xui phạm tội hơn là gây ra tội. Hẳn nàng phải có một ít bản chất trơ trẽn trong người, đường đường là một công chúa của hoàng gia nàng lại hành động như một vũ nữ. Những cuộc khiêu vũ của các cô gái này thường có tính cách khiêu gợi, dâm đãng. Một công chúa dám ra nhảy múa ở chốn công cộng là một việc lạ thường; Hê-rô-đia không nghĩ tới việc làm mất phong cách con gái mình mà chỉ nghĩ làm thế nào trả thù được kẻ đã cáo giác hành động tội lỗi của mình.

Hê-rốt. Ông là người có một lương tâm nặng trĩu tội lỗi. Khi Chúa Giê-xu nổi danh thì Hê-rốt liền kết luận ngay rằng Giăng đã sống lại. Hê-rốt là bằng chứng hùng hồn cho ta thấy không ai có thể loại bỏ tội lỗi bằng cách thủ tiêu người tố giác tội lỗi đó. Và dù người tố giác bị loại trừ đi nữa thì lương tâm là sự tố giác thiên thượng vẫn không bao giờ câm nín. Hành động của Hê-rốt là tiêu biểu cho một người yếu hèn. Hê-rốt giữ một lời thề điên rồ để vi phạm một luật lớn, ông hứa cho Sa-lô-mê bất cứ thứ gì nàng muốn mà không suy nghĩ điều gì nàng sẽ xin. Ông biết rõ rằng chấp thuận điều nàng xin và giữ lời thề là vi phạm một luật quan trọng hơn nhiều, dầu vậy, ông đã chọn giữ lời thề vì ông quá yếu hèn để nhận lỗi lầm. Hê-rốt sợ sự hờn dỗi của người đàn bà hơn là luật đạo đức. Ông sợ sự chỉ trích và có lẽ sợ quan khách của ông mất vui hơn là sợ tiếng nói của lương tâm. Hê-rốt là người vẫn có thể giữ vững lập trường trong những việc sai lầm, dù đã biết rõ điều nào là đúng, một lập trường như vậy là dấu hiệu của sự mềm yếu chứ không phải mạnh mẽ.

Bằng chứng về tội lỗi mang lại sự trừng phạt nằm trong câu chuyện Hê-rốt. Ngày Hê-rốt khởi sự quyến dụ Hê-rô-đia là một ngày đen tối. Từ hành động bất trung đó ông đã hạ sát Giăng và cuối cùng là tai họa đến với ông, ông mất tất cả, trừ người đàn bà yêu ông và làm tàn hại đời ông. (B B)

Chúa ơi, qua bài học này xin giúp con biết lắng nghe và ăn năn những tội lỗi Ngài cáo trách con qua lương tâm, và những người Chúa đưa đến để sửa dạy con.

(c) 2024 svtk.net