"Đức Chúa Trời ôi! Xin hãy dựng nên trong tôi một lòng trong sạch, và làm mới lại trong tôi một thần linh ngay thẳng." (c. #10);
Câu hỏi suy ngẫm: Đa-vít thú nhận tội lỗi của mình như thế nào? Điều gì thúc đẩy ông thú nhận như thế? Lời cầu xin trong câu #10 quan trọng thế nào đối với mỗi cá nhân? Thi-thiên này có thể áp dụng thế nào trong việc làm chứng về Chúa?
Chắc chưa bao giờ bạn nghe ai giảng Thi Thiên 51 cho một hội đồng truyền bá Phúc Âm, hay là huấn luyện chứng đạo. Vì con người viết Thi-thiên này là một kẻ phạm tội tà dâm và tội sát nhân. Nhưng lời cầu nguyện trong Thi-thiên này là của mỗi người mặc dù ít ai phạm cả hai tội như Đa-vít.
Khởi đầu của công tác truyền bá Phúc Âm là một giai đoạn cầu nguyện xưng tội. Được tha thứ tội lỗi thì mới đủ tư cách bảo người khác đến cho được tha thứ
Tội lỗi là một chướng ngại to lớn nhất trong công tác truyền bá Phúc Âm. Tội lỗi che mất vinh quang của Chúa chiếu rọi trên tâm hồn chúng ta, vì vậy nếu chúng ta mang tội lỗi, đi rao truyền Phúc Âm là rao truyền bóng tối cho những người ở nơi tối, làm sao có hiệu quả được.
Đến với Chúa xưng tội, từ bỏ tội, được tha tội thì vinh quang Chúa lại sáng ngời và đời sống sẽ phản chiếu vinh quang ấy cho kẻ cần ánh sáng.
Khi được tha tội, niềm vui tràn ngập, có thể hát, có thể nói về Chúa được.
Đã bao nhiêu lần bạn nói về Chúa mà người ta vẫn dửng dưng, lỗi ở phía người ta cũng có, nhưng nếu lỗi ở phía bạn thì cách giải quyết là phải thanh toán tức khắc tội lỗi. Nếu không, bạn đang sống thật vô ích, hoài công làm tín đồ, hoài công theo Chúa lâu năm và chắc chắn chẳng ai tin Chúa qua bạn bao giờ. (NS)
Lạy Chúa, xin tha tội cho con để con kinh nghiệm sự tha tội và sẵn sàng đưa người vào kinh nghiệm ấy.
(c) 2024 svtk.net