"Tôi cứ làm một điều quên lửng sự ở đằng sau mà bươn theo sự ở đằng trước, tôi nhắm mục đích mà chạy để giựt giải về sự kêu gọi trên trời của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giê-xu Christ." (c. #14)
Câu hỏi suy ngẫm: Khi nói "Sự ở đằng sau", Phao-lô muốn nói đến những sự nào? Tại sao phải quên? Đích mà Phao-lô muốn đạt đến là gì? Bạn đang có mục đích nào cho đời sống? Phao-lô cho bạn gương mẫu nào?
Sau khi chia sẻ với các tín hữu về ước vọng được biết Chúa và trở nên giống như Chúa trong tinh thần hy sinh, chịu khổ và chịu chết; Phao-lô cho biết, dù mơ ước như vậy, nhưng ông vẫn chưa đạt được mục đích đó. Theo Phao-lô, cuộc đời của người theo Chúa là một tiến trình lâu dài và khó khăn, cần có nhiều phấn đấu. Người theo Chúa cũng giống như người dự một cuộc đua khi tin Chúa chúng ta được Chúa cứu ("đã được Đức Chúa Giê-xu Christ giựt lấy rồi". (c. #12). Nhưng chúng ta phải tiếp tục chạy để đạt đến mục đích. Trong cuộc chạy đua đó, người theo Chúa phải tự nhủ: "Tôi phải quên đi tất cả những gì đã qua," nghĩa là chúng ta không tự hào với những thành công trong quá khứ, cũng không chán nản, thất vọng vì những thất bại hoặc đau buồn vì những tội lỗi trong dĩ vãng. Khi việc gì đã qua, chúng ta hãy quên đi, để có thể dồn hết tâm trí vào mục đích của đời sống, đó là "cố gắng chạy đến đích để giật giải; vì đó, Đức Chúa Trời đã gọi chúng ta hướng về trời qua con đường cứu chuộc của Chúa Cứu Thế Giê-xu" (c. #14 TKHĐ).
Chữ "trọn vẹn" trong câu #15 chỉ về người trưởng thành trong đức tin, đồng nghĩa với chữ "thành nhơn" trong I Cô-rinh-tô 14:20. Theo Phao-lô, tất cả những người trưởng thành trong đức tin đều phải có cùng một quan niệm với ông, nghĩa là đều phải bỏ qua những việc trong quá khứ, để cố gắng đạt đến mục đích, tức là đạt đến sự "trọn lành", toàn hảo trong đức tin. Ngoài ra, Phao-lô cũng tin rằng nếu có người nào không đồng ý với ông thì chính Chúa sẽ chỉ cho người đó thấy rõ điều ông trình bày, nghĩa là Chúa sẽ chỉ cho người đó thấy rằng mục đích của đời sống họ không gì khác hơn là được trở nên giống như Chúa Cứu Thế trong tinh thần hy sinh.
Tuy nhiên, để những người chưa đạt đến mức độ đức tin như Phao-lô khỏi nản lòng, ông khuyên: "Duy chúng ta đã đạt đến bậc nào, thì chúng ta phải đồng đi vậy" (c. #16), nghĩa là đức tin của chúng ta đạt đến mức độ nào thì chúng ta hãy sống đúng theo mức độ đó.
Lời khuyên của Phao-lô cho thấy, tuy chúng ta không phải là những người trọn vẹn, hoàn toàn, nhưng đã tin Chúa, chúng ta phải theo đuổi mục đích cao cả mà Chúa đã đặt cho chúng ta, tức là trở nên người trọn lành trong tình yêu và lòng hy sinh giống như Ngài. (TNT)
Xin giúp con quên đi quá khứ và nhìn lên Chúa để sống mỗi ngày. Xin giúp con thấy rằng mục đích của đời sống con là trở nên người trưởng thành trong Chúa và có tâm tình hy sinh giống như Ngài.
(c) 2024 svtk.net