Câu hỏi suy ngẫm: Những yếu tố nào giúp cho Na-a-man được chữa lành? Cô gái nô lệ trong câu chuyện quan trọng thế nào trong việc chữa lành Na-a-man? Chúng ta có thể tìm thấy được những đặc điểm nào nơi cô gái này? Để có thể đem người khác về với Chúa, chúng ta cần có những điều nào?
Bạn có thích câu chuyện Na-a-man không? Bạn biết tại sao tướng Na-a-man được lành bệnh không? Tất nhiên là Na-a-man đã bằng lòng xuống tắm 7 lần ở sông Giô-đanh theo lời tiên tri Ê-li-sê, tất nhiên là do quyền năng của Chúa ông được lành. Đọc xong câu chuyện, bạn còn nhớ tên tướng Na-a-man, tiên tri Ê-li-sê, sông Giô-đanh nhưng có bao giờ bạn thắc mắc về cô gái nhỏ, nữ tì của bà vợ ông Na-a-man không? Khởi điểm con đường lành bệnh phung của tướng Na-a-man là lòng thương của cô gái vô danh, hèn hạ đó.
Trong thân phận một đứa bé gái nô lệ đáng lẽ cô gái này phải thù ghét Na-a-man, hay ít ra cũng "chẳng hơi đâu mà quan tâm" đến vị tướng đầy uy quyền này. Nhưng hằng ngày nhìn thấy vết phung lở lói trên mặt, trên tay Na-a-man, cô bé không thể chịu nổi. Tình thương đã khiến cô bé mạnh dạn giới thiệu con đường giải thoát tật phung cho Na-a-man. Tình thương là động lực chính.
Tôi tạm gọi là phương pháp Na-a-man vì cô gái này vô danh, hơn nữa phương pháp này trực tiếp cứu mạng Na-a-man. Phương pháp Na-a-man là:
Nhìn thấy nỗi đau thương của người và giới thiệu Chúa cho người, để được lành bệnh.
Có lẽ bạn thắc mắc, không hiểu người mà bạn gặp gỡ hằng ngày có nỗi đau thương nào không? Làm sao biết được? Khi sống với người khác, ta nên tìm hiểu và thông cảm những lo âu, khắc khoải, những nan đề của người. Hãy cầu nguyện cho người và giới thiệu người đến với Chúa.
Bạn có muốn người chung quanh mình được hạnh phúc không? Bạn nên nhớ rằng chung quanh ta có nhiều người đang khổ đau, đang mang những bệnh nan y trong tâm linh. Chỉ có Chúa quyền năng mới chữa lành được.
Bạn cũng cần nhận thức, nếu không thương, không quan tâm bạn sẽ không bao giờ nói về quyền năng của Chúa. Yêu thương là động lực chính để đưa người đến với Chúa.
Có lẽ bạn thích những cuộc truyền giảng có hằng trăm người tham dự, nhưng nếu Chúa cần bạn đến với một tâm hồn đau khổ và đưa Chúa vào tâm hồn đó, bạn có muốn không? Có người bảo rằng: "nói với người đau khổ, bạn sẽ không bao giờ thiếu thính giả." Nghĩa là hãy chú ý đến nỗi khổ của người khi truyền bá Phúc Âm.
Bạn nhớ điều này: Hãy quan tâm, hãy thương yêu trước khi giới thiệu Chúa cho mọi người. Bạn sẽ thành công. (NS)
Lạy Chúa, xin giúp con noi gương cô bé vô danh này thương yêu và quan tâm đến nỗi khổ đau của người khác và đưa họ đến với Ngài.
(c) 2024 svtk.net