"Đức Giê-hô-va phán rằng: Nếu ta tìm được trong Sô-đôm năm mươi người công bình, vì tình thương bấy nhiêu người đó ta sẽ tha hết cả thành." (c. #26);
Câu hỏi suy ngẫm: Động cơ nào khiến Áp-ra-ham cầu thay cho Sô-đôm và Gô-mô-rơ? Ông cầu nguyện với tinh thần và thái độ nào? Tại sao lời cầu nguyện của ông không thành? Tại đây bạn học được điều gì về sự cầu thay và ý muốn của Chúa?
Phân đoạn Thánh Kinh này cho thấy những điều sau:
1. Chúa không giấu Áp-ra-ham điều Ngài sẽ làm, điều này nói lên tình bạn thân thiết giữa Chúa và Áp-ra-ham (II Sử-ký 20:7; Ê-sai 41:8; Gia-cơ 2:23). Chúa Giê-xu cũng nói với các môn đệ của Ngài: "Ta không gọi các con là tôi tớ nữa vì tôi tớ không biết đường lối của chủ. Nhưng ta gọi các con là bạn hữu ta vì ta tiết lộ cho các con mọi điều Cha ta đã dạy" (Giăng 5:15, TKHĐ). Sống gần với Chúa qua việc học Kinh Thánh và cầu nguyện mỗi ngày, chúng ta sẽ biết rõ ý Chúa và được xem là bạn của Ngài.
2. Đọc câu #20 và 21 ta có cảm tưởng như quyền năng của Chúa bị giới hạn, Chúa phải ngự xuống mới biết rõ tội ác của hai thành phố Sô-đôm và Gô-mô-rơ. Thật ra không phải như vậy. Thánh Kinh là Lời của Đức Chúa Trời nhưng viết trong ngôn ngữ của loài người để ta có thể hiểu những điều Ngài muốn truyền đạt. Dù ngự trên trời, Chúa vẫn biết tội ác của dân chúng thành Sô-đôm nhưng Ngài ngự xuống để chứng tỏ Ngài không phải là một vị thần xa lạ, chỉ giáng họa chớ không quan tâm đến loài người dưới trần. Chúa biết rõ lòng người nên hình phạt của Ngài rất công bình.
3. Lòng tha thiết kêu nài của Áp-ra-ham về số phân của hai thành phố Sô-đôm và Gô-mô-rơ. Áp-ra-ham mặc cả với Chúa về số người công bình trong hai thành đó để xin Chúa tha tội cho họ. Cuối cùng, Chúa cho biết dù người trong thành đầy dẫy tội ác nhưng nếu có 10 người công bình Chúa cũng không hủy diệt. Điểm này cho thấy:
(1) Tình thương của Chúa thật rộng lớn, dù chỉ có một số ít người kính yêu Chúa. Ngài vẫn vì những người đó mà tha hình phạt cho tất cả. Ta thường nghĩ, người tin Chúa chỉ là thiểu số trong xã hội, một thành phần không đáng kể, nhưng trước mặt Chúa chúng ta rất quan trọng. Chúa có thể vì chúng ta mà ban phước hay giáng họa cho người khác.
(2) Tinh thần cầu thay của Áp-ra-ham rất cao. Ông không nghĩ đến mình nhưng nghĩ đến những người trong thành Sô-đôm, đặc biệt là gia đình ông Lót, cháu của ông. Ông hy vọng có ít nhất 10 người trong thành đó kính sợ Chúa để Chúa tha hình phạt cho họ, nhưng điều ao ước của Áp-ra-ham đã không thành. Ta cần hăng hái trong việc cầu thay và nói về Chúa cho người khác để Chúa từ trên trời nhìn xuống thấy có nhiều người đến với Ngài, và Ngài sẽ ban phước thay vì giáng họa cho cộng đồng ta đang sống.
Cám ơn Chúa kể con là bạn của Chúa. Xin giúp con sống xứng đáng với tình bạn Chúa đã dành cho con. Xin thêm cho con tinh thần cầu nguyện cho người khác và hăng hái nói về Chúa cho họ để Chúa có thể ban phước cho tất cả chúng con.
(c) 2024 svtk.net