"Bọn ấy buộc những gánh nặng khó chịu, để trên vai người ta, còn mình thì không muốn động ngón tay vào." (c. #4);
Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao Chúa Giê-xu không ca ngợi những thầy dạy luật và các đạo sĩ Do Thái về những qui tắc luật lệ của họ? Tôn giáo thật cần có những đặc điểm nào? Bạn kinh nghiệm Cơ Đốc giáo là một sự giải phóng hay một gánh nặng?
Chúng ta đã thấy những nét đặc biệt của đạo sĩ Do Thái giáo. Chúng ta cũng thấy niềm xác tín của những người Do Thái về tính kế tục của tín ngưỡng họ. Đức Chúa Trời trao Luật Pháp cho Môi-se, Môi-se trao cho Giô-suê, Giô-suê truyền cho các trưởng lão, các trưởng lão lại truyền cho các tiên tri, và các tiên tri truyền cho những thầy dạy luật và đạo sĩ Do Thái giáo.
Chúng ta phải hiểu ngay rằng Chúa Giê-xu không khen những thầy dạy luật và đạo sĩ Do Thái giáo về các luật lệ, qui tắc của họ. Điều Ngài nói là "Khi những thầy dạy luật và đạo sĩ Do Thái giáo dạy các ngươi những nguyên tắc của Luật Pháp mà Môi-se đã nhận từ Đức Chúa Trời, thì các ngươi phải vâng theo." Khi nghiên cứu Ma-thi-ơ 5:17-20, chúng ta đã thấy những nguyên tắc này là gì. Cả mười điều răn đều đặt căn bản trên hai nguyên tắc lớn. Một là tôn kính. Tôn kính Đức Chúa Trời, tôn kính danh của Đức Chúa Trời, ngày của Đức Chúa Trời, tôn kính cha mẹ mà Đức Chúa Trời đã cho chúng ta. Hai là tôn trọng sự sống con người, của cải con người, phẩm cách và tiếng tốt của con người và tôn trọng chính mình. Những nguyên tắc này là đời đời, vì vậy khi những thầy dạy luật và đạo sĩ Do Thái giáo dạy phải tôn kính Đức Chúa Trời và tôn trọng con người thì sự dạy dỗ của họ có giá trị và phải tuân giữ mãi mãi.
Tuy nhiên toàn thể cái nhìn về tôn giáo của họ đã có một tác dụng cơ bản. Nó khiến tôn giáo trở thành một cái gì bao gồm muôn ngàn qui tắc, luật lệ và vì vậy tôn giáo thành một gánh nặng không thể chịu đựng nỗi. Đây chính là chỗ trắc nghiệm bất cứ một tín ngưỡng nào. Tôn giáo ta theo là đôi cánh nâng bổng con người, hay là một gánh nặng trì kéo con người xuống? Nó là một niềm vui hay là một sự buồn chán. Tôn giáo có giúp ích cho con người hay chỉ ám ảnh con người? Tôn giáo có mang con người đi hay con người phải mang nó cách nặng nhọc? Bất cứ khi nào tôn giáo trở thành một công việc buồn chán vì những gánh nặng những sự cấm đoán, thì không còn là một tôn giáo thật nữa.
Đạo sĩ Do Thái giáo đã "xây một hàng rào chung quanh Luật Pháp" Họ không nới lỏng hoặc cắt bỏ một điều luật nhỏ nào cả. Khi tôn giáo trở thành một gánh nặng, thì nó có thể là một thứ tôn giáo nhưng chắc chắn không phải là Cơ Đốc giáo.
Lạy Chúa, xin giúp con thấy và sống với niềm vui, sự thanh thản của Cơ Đốc giáo.
(c) 2024 svtk.net