Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao dân Y-sơ-ra-ên nghĩ rằng Chúa không yêu họ? Bằng cách nào Chúa chứng tỏ tình yêu của Ngài đối với họ? Tình yêu đó có đặc điểm gì? Bạn kinh nghiệm thế nào về tình yêu Chúa đối với bạn?
Khi đối diện với nghịch cảnh, thật khó để tin rằng Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta. Các việc xảy ra chung quanh dường như làm chứng nghịch lại với niềm tin ấy. Tuy nhiên, đó chính là sự thật mà Ma-la-chi đã ghi lại: Đức Chúa Trời vẫn yêu thương dân Y-sơ-ra-ên cũng như Ngài thương yêu chúng ta cho dù cuộc sống chúng ta có ra thế nào.
Tình yêu của Đức Chúa Trời là sứ điệp trung tâm của Thánh Kinh. Cho nên tiên tri Ma-la-chi bắt đầu quyển sách của ông với lời khẳng định quả quyết, "Đức Giê-hô-va có phán: Ta yêu các ngươi." Nhưng dân Y-sơ-ra-ên lúc bấy giờ đã trở thành người bội bạc nên cãi lẽ: "Chúa yêu chúng tôi ở đâu?" (c. #2) hoặc "Tình yêu Chúa ở đâu mà chúng tôi không thấy?" Họ đã đánh mất lòng yêu mến Đức Chúa Trời và nghĩ rằng Đức Chúa Trời sẽ không còn yêu thương họ. Nhưng Chúa phán: "Ta yêu các ngươi" (c. #2).
Trong Cựu Ước, động từ "yêu" ('ahà b) được dùng rất nhiều lần để xác chứng tình yêu của Đức Chúa Trời đối với con người. Từ ban đầu Ngài đã yêu dân Y-sơ-ra-ên nên lựa chọn và biệt riêng họ ra để phục vụ Ngài. Qua các tộc trưởng, Ngài ban phước dư dật cho họ, Chúa tiếp trợ dân Y-sơ-ra-ên trong lúc bị thiếu thốn. Ngài giải cứu họ khỏi ách nô lệ Ai Cập. Chúa chu cấp mọi nhu cầu cho họ trong đồng vắng. Ngài đem họ đến xứ đượm sữa và mật. Khi họ bị bắt làm phu tù, Ngài yêu thương cứu giúp và đưa họ trở về xứ sở mình. Lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên chứa đầy tình yêu thương của Đức Chúa Trời: Khi họ vâng lời Chúa, Ngài yêu thương ban phước cho họ dư dật; khi họ khước từ Chúa, Ngài yêu thương sửa dạy họ.
Và tại đây, trong phần đầu của sách Ma-la-chi, Đức Chúa Trời chứng tỏ tình yêu đó qua đời sống của Ê-sau và Gia-cốp. Ngài phán: "Ê-sau há chẳng phải là anh của Gia-cốp sao? Nhưng ta yêu Gia-cốp mà ghét Ê-sau" (c. #2-3). Khi Đức Chúa Trời nói Ngài ghét Ê-sau và yêu Gia-cốp thì chữ "ghét" được dùng theo ý nghĩ đối chiếu với "yêu". Đức Chúa Trời yêu Gia-cốp và ghét Ê-sau có nghĩa là Ngài yêu Gia-cốp nhiều hơn yêu Ê-sau.
Trong Tân Ước, Chúa Giê-xu cũng dùng chữ ghét và yêu lối so sánh đối chiếu này. Chúa nói trong Lu-ca 14:26: "Nếu có ai đến theo ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình... thì không được làm môn đồ ta." Chữ "ghét" ở đây có nghĩa là "Ai yêu cha mẹ hơn ta, thì không đáng cho ta; ai yêu con trai hay là con gái hơn ta, thì cũng không đáng cho ta" (Ma-thi-ơ 10:37).
Đức Chúa Trời không bị ép buộc phải yêu Gia-cốp, Ê-sau hoặc bất cứ một người nào trên đất. Chúng ta không có gì xứng đáng để được yêu, nhưng Ngài chọn yêu chúng ta.
Phân đoạn Thánh Kinh trên dạy ta ít nhất hai lẽ thật: (1) Tình yêu Đức Chúa Trời dành cho chúng ta là tình yêu vô điều kiện. Thật vậy, "Đức Giê-hô-va tríu mến và chọn lấy các ngươi chẳng phải vì các ngươi đông hơn mọi dân khác đâu; thật số các ngươi là ít hơn những dân khác. Nhưng ấy vì Đức Giê-hô-va thương yêu các ngươi..." (Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:7-8). (2) Đức Chúa Trời yêu chúng ta bằng tình yêu mật thiết cá nhân. Môi-se giảng giải: "Tất cả vũ trụ trời đất đều thuộc về Chúa Hằng Hữu, thế mà Ngài đem lòng yêu thương tổ tiên đồng bào, và nhân đấy, chọn đồng bào trong muôn dân, như đồng bào thấy ngày nay" (Phục-truyền Luật-lệ Ký 10:14-15, TKHĐ).
Chúa ơi giữa thế giới bao la này con biết Ngài yêu con và vẫn luôn yêu con như chỉ có một mình con trong đời này. Cảm tạ Chúa.
(c) 2024 svtk.net