"Nhưng người đáp rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, ta không biết các ngươi đâu." (c. #12)
Câu hỏi suy ngẫm: Trong câu chuyện, năm người khôn và năm người dại có những điểm giống nhau và những điểm nào khác nhau? Trong câu #9 và câu #12 có hai lời cảnh cáo quan trọng nào? Câu chuyện này có ý nghĩa thế nào đối với người Do Thái bấy giờ? Đối với chúng ta ngày nay?
Nếu nhìn ví dụ này với đôi mắt của người Tây phương, thì câu chuyện có vẻ bày đặt, thiếu tự nhiên. Nhưng, sự thật đây là một câu chuyện có thể xảy ra bất cứ lúc nào ở Palestine, ngay cả hiện nay.
Điểm chính của câu chuyện này nằm trong phong tục của người Do Thái, rất khác với điều chúng ta biết. Khi đôi trai gái kết hôn ở xứ Palestine, họ không đi xa trong tuần trăng mật, họ ở nhà mở cửa trong một tuần và được đối xử như là hoàng tử và công chúa. Đó là tuần lễ vui nhất trong đời họ, trong tuần đó, họ tổ chức các buổi liên hoan và mời một số bạn bè tham dự. Các cô gái đồng trinh dại dột đã lỡ mất cơ hội không phải chỉ buổi lễ cưới mà mất luôn cả tuần lễ vui vẻ đó vì họ không sửa soạn sẵn.
Như những ví dụ khác của Chúa, ví dụ này vừa có ý nghĩa cho địa phương lúc bấy giờ và cũng có ý nghĩa rộng rãi phổ quát. Ý nghĩa của câu chuyện lúc đó là nhắm vào người Do Thái. Họ là tuyển dân của Đức Chúa Trời, lịch sử của họ là một cuộc sửa soạn cho việc giáng sinh của Con Đức Chúa Trời, đúng ra họ phải chuẩn bị sẵn sàng khi Ngài đến. Nhưng họ đã không chuẩn bị để tiếp đón Ngài, vì thế họ đã bị bỏ ra ngoài. Đây là tấn thảm kịch về sự không chuẩn bị của người Do Thái được Chúa Giê-xu nêu lên cách sống động. Tuy nhiên ví dụ này ít ra có hai lời cảnh cáo chung.
1. Nó cảnh cáo rằng có những điều mà chúng ta không thể nào để đến phút cuối cùng mới làm. Một học sinh để đến ngày thi mới chuẩn bị bài vở thì đã quá trễ. Nếu một người không chuẩn bị sẵn sàng khả năng và phẩm cách mà công tác đòi hỏi thì khi công tác cần đến, anh ta không còn thì giờ chuẩn bị nữa. Chúng ta đối với Đức Chúa Trời cũng vậy; chúng ta rất dễ lần lữa trễ nãi, đến nỗi không còn thì giờ chuẩn bị chính mình để gặp Đức Chúa Trời.
2. Nó cảnh cáo rằng có những điều chúng ta không thể vay mượn. Những cô gái đồng trinh dại khi biết ra là mình cần đến dầu thì mới thấy mình không thể mượn đâu được cả. Người ta không thể mượn mối quan hệ với Đức Chúa Trời, nhưng chính người đó phải có mối quan hệ ấy. Chúng ta không thể vay mượn nhân cách, nhưng phải có nhân cách của riêng mình; chúng ta cũng không thể cứ mãi sống nhờ vào vốn thuộc linh của người khác. Có những điều chúng ta phải tự chiếm lấy, tự tạo lấy cho mình vì đó là những điều mà chúng ta không thể vay mượn.
Không tiếng chuông báo tử nào nặng lời hối tiếc bằng tiếng của hai chữ "quá muộn."
Lạy Chúa xin giúp con luôn biết sống như những giây phút cuối của cuộc đời mình, vì không biết lúc nào con được gặp Ngài.
(c) 2024 svtk.net