"Làm gian-ác, ấy là gớm ghiếc cho vua chúa, vì nhờ công bình ngôi nước được lập vững bền." (c. #12)
Câu hỏi suy ngẫm: Phân đoạn Kinh Thánh này cho thấy nguyên tắc nào trong sự cai trị? Nguyên tắc này quan trọng ra sao trong việc cai trị một quốc gia, điều hành một tổ chức hay Hội Thánh? Để sống theo lẽ công bình chúng ta cần phải dựa vào mẫu mực nào?
Ngày xưa, xã hội Do Thái cũng như tất cả các xã hội khác trên thế giới đều theo thể chế quân chủ. Vua là người nắm quyền cai trị cao nhất trong nước. Vua có toàn quyền thế xử lý mọi việc trong nước theo ý mình.
Dầu có uy quyền cao nhất nước, các vua chúa cũng phải ở dưới một uy quyền cao hơn - uy quyền của Đức Chúa Trời, và họ phải chịu sự chi phối bởi những quy luật của Ngài. Quy luật căn bản của Ngài là công bình. Đức Chúa Trời cai trị hoàn vũ theo luật công bình. Nếu vua tuân theo luật công bình của Ngài thì ngôi nước mới bền vững. Nếu không, ngôi nước của họ sớm muộn gì rồi cũng sẽ sụp đổ.
Ngày nay, chế độ quân chủ chuyên chế không còn nữa, nhưng quy luật công bình của Chúa vẫn bất di bất dịch. Tất cả mọi cơ chế xã hội như gia đình, trường học, Hội Thánh, v.v... cũng phải xây dựng trên nền tảng công bình thì mới mong bền vững. Cho nên, dầu ở trong môi trường nào, vị thế nào, dầu là người đang nắm giữ uy quyền, hay là người ở dưới uy quyền của người khác, tất cả chúng ta đều cần học tập để sống theo lẽ công bình. Lời Chúa là khuôn thước công bình chúng ta cần thấm nhuần để chúng ta có thể phán đoán và hành động theo lẽ công bình.
"Lời Chúa ở nơi môi vua,
Miệng người sẽ không sai lầm khi xét đoán." (c. #10)
Lạy Chúa, xin cho con biết sống theo lẽ công bình của Ngài để đời sống con được bền vững lâu dài.
(c) 2024 svtk.net