"Đức Chúa Trời phán: Ta là Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời của cha ngươi. Hãy xuống Ê-díp-tô, đừng sợ chi vì tại đó ta sẽ làm cho ngươi thành một nước lớn." (c. #3)
Câu hỏi suy ngẫm: Chúa hứa điều gì cho Gia-cốp? Lời hứa này quan trọng ra sao? Niềm vui lớn nhất đối với Gia-cốp trong lúc tuổi già là gì? Trong phân đoạn này chúng ta học được gì về sự thành tín của Đức Chúa Trời?
Khi kêu gọi Áp-ra-ham, lời đầu tiên Chúa hứa là làm cho ông nên một dân lớn (#12:2). Lời hứa đó bắt đầu thành sự thật trong biến cố chúng ta đọc trong phân đoạn Kinh Thánh hôm nay: Gia-cốp xuống Ai Cập. Tại Ai Cập, con cháu của Gia-cốp đã sinh sôi nẩy nở và hưng thịnh đúng như lời hứa của Chúa (Xuất Ê-díp-tô Ký 1:7). Chúng ta nhớ rằng sách Sáng Thế Ký được viết cho người Do Thái trong thời Môi-se, để họ biết tổ tiên và lịch sử của dân tộc họ. Phân đoạn này cho thấy nguyên nhân nào đã đưa tổ tiên người Do Thái xuống Ai Cập sinh sống, về sau trở thành nô lệ của người Ai Cập và cần Môi-se giải phóng.
Cũng giống như ông và cha của mình, Gia-cốp luôn luôn bày tỏ lòng biết ơn Chúa bằng cách dâng lễ vật cho Chúa. Ông được Chúa cho biết quyết định xuống Ai Cập của ông là đúng. Ngày nay Chúa không nhất thiết phải dùng những khải tượng lạ hay báo mộng cho chúng ta, nhưng qua Thánh Kinh và sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh trong lòng, chúng ta biết được ý của Chúa để làm theo, miễn là chúng ta luôn rộng mở tâm hồn, sẵn sàng làm theo ý Chúa.
Gia đình Gia-cốp lúc xuống Ai Cập gồm 70 người (c. #27) và bốn thế kỷ sau, khi ra khỏi Ai Cập, số người đó lên đến 600 ngàn người đàn ông (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:37). Nếu kể cả phụ nữ trẻ con, dân số Do Thái lúc ra khỏi Ai Cập khoảng độ 2 triệu. Đó là một trong những ý nghĩa của lời hứa của Chúa với Áp-ra-ham: "Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn" (#12:2). Từ một cặp vợ chồng già nua, Chúa đã tạo nên một dân tộc lớn và con đường Chúa dẫn họ đi thật kỳ lạ. Nhìn vào đó, chúng ta thấy được sự hướng dẫn tuyệt diệu của Chúa. Đây cũng là điều chúng ta cần ghi nhớ để kiên nhẫn chờ đợi và để cho Chúa hướng dẫn trong mọi việc.
Gia-cốp và Giô-sép đã xa nhau hơn 20. Gia-cốp cũng nghĩ con mình đã chết, nhưng giờ đây được gặp lại con, ông không còn ao ước gì hơn và nghĩ rằng có chết cũng thỏa lòng. Đây thật là phần thưởng cho Gia-cốp sau những tháng ngày đau khổ. Giô-sép muốn cho gia đình của ông ở một vùng đất riêng để tránh ảnh hưởng của nguời Ai Cập. Ông đã khôn khéo dựa vào việc người Ai Cập không thích những người sống về nghề chăn nuôi để gia đình có lý do sống ở vùng Gô-sen.
Phân đoạn Kinh Thánh chúng ta đọc hôm nay cho thấy một ngày vui trong cuộc đời của Gia-cốp vì gia đình được đoàn tụ trong hạnh phúc. Đó cũng là khởi điểm cho một lịch sử vinh quang nhưng cũng đầy gian lao của người Do Thái. Nhìn lại cách Chúa hoàn thành lời hứa và hướng dẫn tuyển dân của Ngài trong những bước thăng trầm của tổ tiên họ chúng ta thấy Chúa thật là Đấng yêu thương và quyền năng. Chương trình và kế hoạch của Ngài lắm khi chúng ta không hiểu được nhưng nếu biết kiên nhẫn chờ đợi, chúng ta sẽ nhận được những hạnh phúc tuyệt diệu của Ngài.
Xin giúp con nhớ chắc chắn Chúa sẽ hoàn thành lời hứa để con một lòng vững tin nơi Chúa và kiên nhẫn chờ đợi Chúa.
(c) 2024 svtk.net