"Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin Lành đâu, vì là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin, trước là người Giu-đa, sau là người Gờ-réc." (c. #16)
Câu hỏi suy ngẫm: Phân tích các từ "quyền phép của Đức Chúa Trời", "cứu", "tin" bạn thấy Tin Lành có nghĩa là gì? Lý do nào Phao-lô không hổ thẹn về Tin Lành đó? Có khi nào bạn tỏ ra hổ thẹn về Phúc Âm của Chúa không? Phao-lô nhắc bạn điều gì?
Thư Rô-ma là sách tóm lược và hệ thống hóa những giáo lý căn bản của Phúc Âm. Sứ đồ Phao-lô viết thư này như một luận án, trình bày những điểm căn bản của đạo Chúa. Hai câu ta đọc hôm nay tóm tắt ý chính của cả lá thư.
Trước hết Phao-lô cho biết ông không hổ thẹn về Phúc Âm. Khi rao giảng Phúc Âm, Phao-lô không những không hổ thẹn mà còn hãnh diện, xem đó là một vinh dự. Dù lúc đó Phao-lô bị người Do Thái bách hại, khinh khi, xem như một kẻ phản bội. Những người khác thì cho ông là ngu xuẩn, dại dột. Tuy nhiên Phao-lô không bao giờ xấu hổ hay buồn phiền về điều đó. Trái lại, ông hãnh diện về Phúc Âm vì đó là "quyền phép của Đức Chúa Trời". Quyền phép đó là sức mạnh từ nơi Chúa để thay đổi lòng người, hay nói đúng hơn, sức mạnh của Chúa đã được bày tỏ qua chương trình cứu rỗi loài người, tức là Phúc Âm. Phúc Âm đó trình bày sự công bình của Đức Chúa Trời và đặt căn bản trên đức tin.
1. Sự công bình của Đức Chúa Trời. Đây là một thành ngữ đặc biệt trong thư Rô-ma, mô tả phương cách Đức Chúa Trời dùng để kể loài người là công chính trước mặt Ngài. Phương cách đó là đức tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu.
2. Đặt căn bản trên đức tin. Phao-lô viết: "Tin Lành...cứu mọi kẻ TIN:" "sự công bình của Đức Chúa Trời bởi ĐỨC TIN." Trong khi các tôn giáo và chủ thuyết ở đời luôn luôn nhấn mạnh rằng con người phải làm một điều gì đó để được cứu. Đạo của Chúa trái lại, chỉ nói về ĐỨC TIN. Muốn được cứu, chúng ta chỉ cần tin Chúa. Tin là giao thác trọn vẹn, như một đứa con tin cha mẹ, như một người tin vào lời hứa của một người có thẩm quyền. Tin Chúa cũng có nghĩa là tùy thuộc Chúa hoàn toàn vì biết rằng chính mình không thể làm gì để được cứu. Dù người Do Thái có cả một hệ thống tôn giáo chặt chẽ, người Hy Lạp với nền văn minh tuyệt đỉnh, tất cả đều phải nhờ đức tin để được cứu. Câu "trước là người Giu-đa, sau là người Gờ-réc" nói về thứ tự thời gian cũng như thứ tự ưu tiên. Trong chương trình của Thượng Đế, Phúc Âm được giảng cho người Do Thái trước, sau đó mới đến các dân tộc khác. Thứ tự này không làm giảm giá trị của những dân tộc không phải là Do Thái nhưng cho thấy chương trình mầu nhiệu của Chúa đối với người Do Thái. Chúng ta sẽ thấy rõ điều này hơn khi đọc đến các chương 9-11 của lá thư này.
Trong câu #17, sau khi nói "sự công bình của Đức Chúa Trời bởi ĐỨC TIN mà được", Phao-lô lại nói: "lại dẫn đến ĐỨC TIN nữa." Chữ "đức tin" được nhắc đi nhắc lại cho thấy tính cách quan trọng và cần thiết của đức tin trong chương trình cứu rỗi của Chúa. Chúng ta bắt đầu bằng đức tin và "tuần tự tiến bước bởi đức tin" (TKHĐ).
Bố cục của cả thư Rô-ma nằm trong hai câu chúng ta đọc hôm nay. Bố cục ấy như sau:
1. "Sự công bình của Đức Chúa Trời bởi đức tin..." Chương 1-8.
2. "Trước là người Giu-đa, sau là người Gờ-réc": Chương 9-11.
3. "Người công bình sẽ sống đức tin": Chương 12-15 Bạn hãnh diện hay xấu hổ về niềm tin của mình? Bạn đã đặt lòng tin nơi Chúa nhưng có tiếp tục nương cậy Chúa trọn vẹn không? Nếp sống của Bạn có phải là nếp sống của người công bình không? Bạn có sống bằng đức tin không?
(c) 2024 svtk.net