Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 28

Mạng Lệnh Của Chúa

Ma-la-chi 2:1-4

"Hỡi các thầy tế lễ, bây giờ ta truyền lệnh này cho các ngươi." (c. #1)

Câu hỏi suy ngẫm: Bằng cách nào các thầy tế lễ đã khinh dể danh Chúa? Nếu không ăn năn sẽ mất những phước lành nào dành cho thầy tế lễ? Đất đai, mùa màng sẽ bị những hậu quả nào? Mệnh lệnh và lời cảnh cáo của Chúa cho các thầy tế lễ nghiêm trọng thế nào trên chính họ và cả dân tộc Y-sơ-ra-ên? Mạng lệnh và lời cảnh cáo này dạy những bài học nào cho chúng ta là người hầu việc Chúa ngày nay?

Tiên tri Ma-la-chi bắt đầu chương hai với những lời này: "Hỡi các thầy tế lễ, bây giờ ta truyền lệnh này về các ngươi"(c. #1). Chữ "mạng lệnh" ở đây không phải là mạng lệnh Đức Chúa Trời truyền cho các thầy tế lễ để họ dạy dân chúng, nhưng là mạng lệnh cho chính họ, liên quan đến họ. "Đức Giê-hô-va đã truyền lệnh về ngươi" (#Hab 1:14). Trong câu #4 Chúa cũng xác nhận, "các ngươi sẽ biết rằng ta truyền lệnh này cho các ngươi, để làm giao ước giữa ta với Lê-vi, Đức Giê-hô-va phán vậy." Đọc Kinh Thánh ta thấy Đức Chúa Trời đã truyền lệnh cho vua (I Sa-mu-ên 13:13); cho tiên tri (I Các Vua 13:21), và tại đây, Ngày đã truyền lệnh cho thầy tế lễ.

Qua câu hai Chúa khuyến cáo các thầy tế lễ. Chúa muốn các thầy tế lễ dâng dự vinh hiển cho danh Ngài. Họ đã "khinh dể danh Ngài"(#1:6), đã làm "uế tục danh Ngài" (#1:12). Bây giờ Chúa muốn họ tôn vinh danh Ngài, nếu không Ngài sẽ giáng rủa sả trên họ và sẽ rủa sả những phước lành của họ. Từ ngữ "những phước lành" Chúa nói sẽ không cho các thầy tế lễ được hưởng là gì? Có hai lời giải thích. Quan điểm thứ nhất thì phước lành vật chất mà các thầy tế lễ được hưởng do việc người ta dâng phần mười và các lễ vật (#3:10). Quan điểm thứ hai thì đó là những lời chúc phước mà các thầy tế lễ chúc cho dân chúng. Chúa hứa rằng Ngài sẽ ban phước cho dân chúng theo lời chúc phước của các thầy tế lễ (Dân-số Ký 6:23-27). Hầu hết các nhà giải kinh đồng ý quan điểm thứ hai.

Chúa nói tiếp trong câu #3, chữ "giống gieo" cũng được giải thích với nhiều quan điểm khác nhau. Có người cho rằng Chúa quở trách giống gieo, nghĩa là Ngài không cho cây trái mọc lên tươi tốt, các nông gia sẽ mất mùa, vì vậy các thầy tế lễ sẽ không được các của lễ dâng tươi tốt và dư dật như đã có. Người khác thì cho rằng "giống gieo" ở đây là chỉ về con cháu thầy tế lễ như lời Chúa hứa trong Giê-rê-mi 33:18,22. Thánh Kinh Hiện Đại ủng hộ quan điểm này. Cũng có người khác nói rằng chữ "giống gieo" có nghĩa "cánh tay (sự mạnh mẽ)". I Sa-mu-ên 2:31 đã thuật lại một trường hợp tương tự. "Kìa thì giờ đến, tay sẽ hủy hại sự mạnh mẽ (nguyên tác viết là chặt cánh tay) của ngươi và sự mạnh mẽ của nhà cha ngươi, đến đổi chẳng còn một người già trong họ hàng ngươi nữa." Câu nầy cho thấy Đức Chúa Trời chặt cánh tay (hủy hoại sự mạnh mẽ) của thầy tế lễ Hê-li vì cớ tội của các con trai người. Bản Kinh Thánh Vulgate và Bản Bảy Mươi đồng ý với quan điểm này.

Câu #4 cho thấy, Chúa muốn các thầy tế lễ ăn năn, trở về với Ngài và vâng lệnh Ngài để dâng vinh hiển cho danh Ngài.

Điều ta học qua phân đoạn Thánh Kinh này là, ngoài các chức vụ vua và tiên tri, Chúa cũng lập chức tế lễ để lãnh đạo dân chúng. Họ là người trung gian giữa Đức Chúa Trời và dân Ngài; là người dạy cho dân Y-sơ-ra-ên các mạng lệnh Ngài (Lê-vi Ký 10:11); là người giải quyết sự tranh tụng của những bị cáo và nguyên cáo (Phục-truyền Luật-lệ Ký 19:17). Để hưởng được phước hạnh của Chúa, họ phải vâng theo mạng lệnh Ngài. Chu toàn nhiệm vụ của mình để tôn vinh Đức Chúa Trời.

Ngày nay nếu bạn là mục sư, giám mục, bạn cần vâng theo Lời Chúa dạy trong I Ti-mô-thê 3:1-7. Nếu bạn là chấp sự thì phải cẩn thận làm theo I Ti-mô-thê 3:8-13.

(c) 2024 svtk.net