"Chúng ta thảy đều vấp phạm nhiều cách lắm, nếu có ai không vấp phạm trong lời nói mình, ấy là người trọn vẹn, hay hãm cầm cả mình" (c)
Câu hỏi suy ngẫm: Trong Hội Thánh đầu tiên, vai trò và công tác của các giáo sư quan trọng thế nào? Tại sao Gia-cơ cảnh cáo "chớ có nhiều người tự lập làm thầy"? Chữ "vấp phạm" trong câu #2 có nghĩa gì? Chúng ta có thể vấp phạm bằng những cách nào? Tại sao chúng ta dễ vấp phạp trong lời nói? Làm sao chúng ta có thể 'hãm cầm" miệng lưỡi để tránh vấp phạm?
Trong Hội Thánh nguyên thủy, giáo sư có tầm quan trọng hàng đầu. Bất cứ khi nào được đề cập, họ đều được nêu tên một cách kính cẩn. Trong bảng liệt kê của sứ đồ Phao-lô về những người nhận được các ân tứ quan trọng trong Hội Thánh thì các giáo sư đứng hàng thứ hai, chỉ sau các sứ đồ và tiên tri (I Cô-rinh-tô 12:28; Ê-phê-sô 4:11). Các giáo sư làm việc bên trong các Hội Thánh và họ được giao phó công tác dạy Phúc Âm Cơ Đốc cho số người mới theo đạo, và gây dựng Hội Thánh trong đức tin. Trách nhiệm nặng nề của giáo sư là họ có thể truyền lưu dấu ấn về đức tin và sự hiểu biết của mình trên số người mới gia nhập Hội Thánh.
Tân Ước cho chúng ta thấy các giáo sư thất bại trong trách nhiệm và bổn phận để rồi trở thành giáo sư giả. Đã có những giáo sư biến Cơ Đốc giáo thành một thứ Do Thái giáo khác khi cố đưa vào đó việc làm phép cắt bì và giữ luật pháp (Công-vụ các Sứ-đồ 15:24). Có những giáo sư dạy bảo người khác, nhưng chính họ lại không hề sống theo điều họ dạy, đời sống họ hoàn toàn mâu thuẫn với điều họ dạy và chỉ làm ô danh cho niềm tin mà họ đại diện thôi (Rô-ma 2:17-29). Có người đã dám dạy dỗ ngay khi bản thân họ chưa biết gì cả (I Ti-mô-thê 1:6,7), có những giáo sư giả sẵn sàng chìu theo các ước muốn sai trái của quần chúng (II Ti-mô-thê 4:3). Những người ấy dùng lời nói làm công cụ và lấy lưỡi làm phương tiện. Vì vậy Gia-cơ cảnh cáo chính giáo sư tự chấp nhận một chức vụ đặc biệt, do đó, phải chịu xét đoán đặc biệt hơn nếu không làm trọn nhiệm vụ.
Phân đoạn này Gia-cơ đưa ra hai ý niệm quan trọng:
1. Không có ai sống trên đời mà không phạm một tội nào đó. Từ ngữ Gia-cơ dùng có nghĩa là "trợt ngã". Thông thường không ai cố ý phạm tội, nhưng nó là hậu quả của một lần trợt ngã khi không cẩn thận. Phổ quát tính của tội lỗi xuất hiện xuyên suốt Kinh Thánh. Phao-lô trích dẫn "Chẳng có một người công bình nào hết, dẫu một người cũng không, vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời" (Rô-ma 3:10,23). Sứ đồ Giăng nói "Ví bằng chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chính chúng ta lừa dối mình" (I Giăng 1:8). "Thật, chẳng có một người công bình ở trên đất làm điều thiện mà không hề phạm tội"(Truyền-đạo 7:20).
2. Không có tội nào con người dễ sa vào, và đưa đến hậu quả trầm trọng hơn là tội lỗi của cái lưỡi. Chúa Giê-xu từng cảnh cáo mọi người rằng họ phải khai trình về tất cả những lời mình nói ra. Bởi lời nói, ngươi sẽ được xưng là công bình, cũng bởi lời nói mà ngươi sẽ bị phạt" (Ma-thi-ơ 12:36,37)., "Lời đáp êm nhẹ làm nguôi cơn giận, còn lời xẳng xớm trêu thạnh nộ thêm... Lưỡi hiền lành giống như một cây sự sống, song lưỡi gian tà làm cho hư nát tâm thần" (Châm-ngôn 15:1-4).
Lạy Chúa xin giúp con biết hãm cầm miệng lưỡi mình để con không phạm tội cùng Ngài.
(c) 2024 svtk.net