"Ta đã đặt thần ta trên người, người sẽ tỏ ra sự công bình cho các dân ngoại." (c. #1 b) Câu hỏi suy ngẫm: Ê-sai cho thấy những đặc điểm nào về người đầy tớ của Đức Chúa Trời? Mục đích và sứ mạng của người đầy tớ là gì? Được thực hiện bằng cách nào? Tại sao Chúa Giê-xu được mệnh danh là "Người Đầy Tớ Đau Khổ"? Tại sao "đầy tớ" là bản tính của Cơ Đốc nhân? Nếu hỏi một em bé, "Khi lớn lên em muốn làm gì?" có lẽ chúng ta không bao giờ nghe câu trả lời "Em muốn trở thành người đầy tớ." "Đầy tớ" hầu như không bao giờ nằm trong danh sách những nghề nghiệp mà người ta mong muốn. Thế nhưng, "đầy tớ" là bản tính của Cơ Đốc nhân, người đặt đức tin nơi Chúa Giê-xu và bước đi theo Ngài. Đức Chúa Trời đã chọn hình ảnh người đầy tớ để mô tả Đấng được sai đến thế gian và phó sự sống của Ngài vì tội lỗi chúng ta. Đặc điểm của Người Đầy Tớ được Ê-sai mô tả cũng là đặc điểm của mỗi Cơ Đốc nhân là những đầy tớ của Đức Chúa Trời. Trước hết, Ê-sai 42 cho thấy mối tương quan của Người Đầy Tớ: Người Đầy Tớ thuộc về Đức Chúa Trời (c. #1). Những chữ "đầy tớ ta," "ta nâng đỡ," "ta lựa chọn," "Ta đặt thần ta trên người" cho thấy mối liên hệ giữa Đức Chúa Trời và Người Đầy Tớ mà Ngài lựa chọn cho công tác của Ngài. Đây cũng là mối liên hệ của mỗi Cơ Đốc nhân với Đức Chúa Trời. Cơ Đốc nhân phải vâng phục ý muốn Đức Chúa Trời như người đầy tớ vâng phục chủ. Mục đích của Người Đầy Tớ trong Ê-sai là "tỏ ra sự công bình" (c. #1, 3, 4). Đây là vai trò và sứ mạng Đức Chúa Trời giao cho Người Đầy Tớ thực hiện trên đất. Qua đời sống và công tác, Ngài bày tỏ sự công bình của Đức Chúa Trời để nhờ đó con người nhận biết Đức Chúa Trời, nhận biết chính mình và được nối kết chính mình với Ngài để nhận được sự sống. Vai trò quan trọng này - được nhấn mạnh ba lần ở đây - cũng chính là vai trò hay sứ mạng của mỗi một chúng ta. Người Đầy Tớ thực hiện sứ mạng bằng ân sủng. Người đầy tớ thực hiện sự công bình không bằng sự phô trương lực lượng hay lớn tiếng ồn ào (c. #2) nhưng bằng chân lý, sức mạnh của tình thương, hiền hòa và kiên nhẫn (c. #4). Những chữ "chẳng bẻ cây sậy đã giập, không dụt tim đèn còn hơi cháy" (c. #3) là hình ảnh minh họa cách sống động ý nghĩa của ân sủng. Ân sủng chính là phương cách qua đó Người Đầy Tớ của Đức Chúa Trời đem con người đến với Đức Chúa Trời công chính. Ân sủng của Đức Chúa Trời chính là Phúc Âm mà ta có nhiệm vụ rao truyền cho con người vô phương tự cứu. Lạy Chúa, xin cho chính con trở thành người đầy tớ thật của Ngài, bước đi theo Chúa Giê-xu như là mẫu mực để thực hiện sứ mạng được Ngài giao cho trên đất. A-men.
(c) 2024 svtk.net