"Này là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đường" (c. #17) Câu hỏi suy ngẫm: Việc Chúa Giê-xu chịu báp-têm mang những ý nghĩa nào? Tại sao đối với Chúa Giê-xu, đây là một kinh nghiệm ơn phước? Ơn phước và trách nhiệm liên hệ ra sao? Đối với bạn, phép báp-têm có ý nghĩa như thế nào? Ảnh hưởng thế nào đến đời sống bạn trong hiện tại? Việc Chúa Giê-xu chịu báp têm có thể mang nhiều ý nghĩa. Có thể mang ý nghĩa là Nước Trời đã đến vì đó là lúc Chúa khởi sự chức vụ rao giảng Nước Trời. Cũng có nghĩa đó là lúc Đức Chúa Giê-xu được xức dầu tấn phong bằng Đức Thánh Linh để thi hành một sứ mạng trọng đại. Cũng có nghĩa là Ngài đồng hóa với loài người tội lỗi, dầu "vốn không biết tội lỗi nhưng trở nên tội lỗi vì cớ chúng ta" và hạ mình nhận lấy phép tẩy rửa của Giăng. Dầu với ý nghĩa nào, đối với Chúa Giê-xu cũng như đối với chúng ta ngày nay, phép báp-têm là một kinh nghiệm về ơn phước. Tiếng từ trời "này là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đường" là tiếng nói của ơn phước. Đó là tiếng nói thừa nhận. Còn ơn phước nào lớn hơn là được Đức Chúa Trời thừa nhận. A-bên dâng tế lễ được Đức Chúa Trời thừa nhận, đó là một ơn phước đối với A-bên. Ngược lại sự từ khước tế lễ của Ca-in là một lời rủa sả. Còn ơn phước nào lớn hơn là khi được Thánh Linh đáp đậu và nhận lấy quyền phép từ trên cao! Ơn phước liên hệ đến trách nhiệm. Sau khi nhận ơn phước từ Đức Chúa Trời, Chúa Giê-xu tiếp tục con đường vâng phục để làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Chúa phải liên tục tranh chiến với những cám dỗ đi ngược lại ý muốn Đức Chúa Trời. Đám đông muốn tôn Chúa làm vua, Ngài cự tuyệt. Các môn đồ can ngăn Chúa đi đường thập tự, Ngài khiển trách. Với trách nhiệm được giao cho, Chúa can đảm uống cạn chén đau thương mặc dầu không tránh khỏi trận chiến nội tâm giữa sự vâng phục và khước từ. Nhận lấy ơn phước từ trời là lúc Ngài cam kết vâng phục Đức Chúa Trời, và thực sự, Ngài đã "vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây Thập Tự!" Là môn đồ của Chúa Giê-xu, chúng ta phải nhìn xem Ngài như một mẫu mực. Phép báp têm chúng ta nhận lãnh là dấu hiệu cho thấy qua huyết Chúa Giê-xu chúng ta được Đức Chúa Trời thừa nhận. Đó là ơn phước nhưng không phải để chúng ta an nhiên ngồi hưởng nhưng đi kèm với trách nhiệm. Nói cách khác, phép báp têm cũng là sự cam kết vâng phục ý muốn Đức Chúa Trời và nhận lấy trách nhiệm Ngài giao. Lạy Chúa, cảm tạ ơn Chúa vì phép báp-têm con đã chịu là một ơn phước. Xin cho con bước theo Chúa Giê-xu trên con đường vâng phục ý muốn của Ngài để sẵn sàng cho những công tác Chúa giao. A-men.
(c) 2024 svtk.net