Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 21

Ra Khỏi Địa Đàng

Sáng-thế Ký 3:14-24

"Thượng Đế đuổi A-đam khỏi vườn Ê-đen để khai khẩn đất mà Ngài đã dùng tạo nên loài người. Khi đuổi người ra, Thượng Đế đặt các thiên thần cầm kiếm chói lòa tại phía đông vườn để canh gác con đường dẫn đến cây Sự Sống" (Sáng-thế Ký 3:23, 24 TKHĐ). Câu hỏi suy ngẫm: Phân đoạn này cho biết thêm những hậu quả nào của tội lỗi? Tại sao sau khi phạm tội A-đam và Ê-va phải bị đuổi ra khỏi vườn? Điều này có ý nghĩa ra sao? Những chi tiết nào trong phân đọan này cho thấy dù phạm tội con người vẫn còn sống trong ân sủng Chúa? Dụ dỗ con người phạm tội, con rắn trở thành biểu tượng của tội lỗi và điều ác. Chúa hình phạt con rắn bằng cách khiến nó phải bò bằng bụng. Con người không còn sống hài hòa với loài vật và thiên nhiên, phải tranh đấu với loài vật và thiên nhiên để sống còn. Người đàn bà phải sinh con trong đau đớn, người đàn ông phải lao khổ để có miếng ăn. Mối liên hệ yêu thương và kính trọng nhau giữa vợ chồng không còn nữa. Tội lỗi đã phá vỡ ý định tốt đẹp ban đầu của Đức Chúa Trời. Đây là những hậu quả không những chỉ hai người đầu tiên gánh chịu nhưng toàn thể nhân loại. Câu nói quen thuộc "ngươi là cát bụi sẽ trở về cát bụi" được tìm thấy trong phân đoạn này (câu #19) chính là hậu quả của tội lỗi. Từ khi con người phạm tội, sự chết là một thực tại. Sự chết đã đi vào công trình sáng tạo của Đức Chúa Trời như là hậu quả của sự sa ngã chứ không phải là phần tự nhiên của sự sống. Con người sợ chết cũng là kết quả của một nhận thức về sự ly cách khỏi Đức Chúa Trời. Sự chết tâm linh tức tình trạng ly cách khỏi Đức Chúa Trời còn tệ hại hơn nhiều so với cái chết thể xác. Cái chết tâm linh xảy ra trong vườn địa đàng khi con người thất bại trước cám dỗ. Cho dầu A-đam và Ê-va vẫn còn hơi thở, vẫn còn sinh hoạt nhưng đã bị phân rẽ khỏi Đức Chúa Trời, một sự phân rẽ vô hạn mà chỉ có tình yêu vô hạn của Đức Chúa Trời mới có thể nối kết. Có lẽ lúc đó A-dam và Ê-va trông thật buồn cười khi lấy lá vả che thân. Nhưng tại đây Đức Chúa Trời đã quan tâm và may cho ông bà chiếc áo da thú. Cho dù ông bà đã bất tuân và sa ngã nhưng Chúa vẫn săn sóc với lòng nhân từ. Tại đây tình yêu đời đời được bày tỏ cho những đứa con lạc lối. Tuy nhiên sự chết tâm linh vẫn là thực tại. Cái chết tâm linh như là sự ly cách với Đức Chúa Trời được cụ thể hóa bằng việc họ phải rời khu vườn. Họ phải nhận ra rằng chỉ một mình Đức Chúa Trời là Đấng tể trị vũ trụ và mơ ước hão huyền "trở nên giống Đức Chúa Trời" của họ chỉ đưa họ đến chỗ ly cách với Ngài. Những người được dựng nên theo hình ảnh Ngài với đặc ân cao trọng bây giờ phải rời khu vườn phước hạnh để bắt đầu cuộc đời lao khổ. Đức Chúa Trời đặt các "chê-ru-bim" để giữ con đường đến cây sự sống (câu #24). Theo truyền thống Do Thái, các chê-ru-bim này vừa mang bản tính loài người, loài thú và loài chim, thường được Kinh Thánh đề cập đến trong liên hệ đến các nơi thánh, hòm giao ước, đền tạm, đền thờ. Mục đích của các chê-ru-bim là để giữ những gì thánh khiết không bị xâm phạm. Sự hiện diện của các chê-ru-bim như để nhắc con người không thể nào trở lại với tình trạng ngây thơ trong trắng ban đầu cũng như sự sống nguyên sơ. Dầu bị đuổi ra khỏi vườn, nhưng A-đam và Ê-va vẫn không sống độc lập với ân sủng Chúa. Chúa vẫn bày tỏ tình yêu và sự chăm sóc của Ngài trên họ. Tội lỗi phá hoại mối tương giao giữa con người với Đức Chúa Trời nhưng Ngài vẫn không bỏ những người mà chính Ngài tạo dựng. Họ sống ngoài vườn nhưng vẫn trong bàn tay yêu thương và chăm sóc của Đấng Tạo Hóa. Ân sủng của Đức Chúa Trời vẫn tiếp tục theo đuổi nhân loại, theo đuổi mỗi cá nhân chúng ta, cho dù chúng ta vấp ngã. Ân sủng đó vẫn tiếp tục thuyết phục chúng ta quay lại với Ngài và phục hồi vinh quang nguyên thủy. Cám ơn Chúa, dầu con không vâng phục Chúa, Ngài vẫn không bỏ con. Xin giúp con thấy được tình yêu và sự chăm sóc của Ngài. Xin cho con biết đáp ứng tình yêu của Ngài và quay lại.

(c) 2024 svtk.net