"Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi, tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì"(c. #1) Câu hỏi suy ngẫm: Trong Thi Thiên này, những hình ảnh nào được dùng để mô tả sự chăm sóc và gìn giữ của Chúa đối với chúng ta? Mỗi hình ảnh có ý nghĩa như thế nào? Đối với bạn, hình ảnh nào có ý nghĩa với bạn nhiều nhất? Đây là Thi Thiên quen thuộc nhất trong các Thi Thiên. Nếu phân tích Thi Thiên này trong bối cảnh thờ phượng trong đền thờ người Do Thái, ta sẽ thấy khuôn mẫu sau đây: Trong câu #1-3, người thờ phượng bày tỏ lòng tin tưởng nơi Chúa với những người tham dự; trong câu #4-5, người thờ phượng hướng về Chúa và nhấn mạnh những điều Chúa đã làm; cuối cùng, câu #6, người thờ phượng trở lại với những người cùng thờ phượng khác để tóm tắt lòng xác tín nơi ân sủng của Chúa. Đa-vít, tác giả Thi Thiên này, diễn tả mối liên hệ giữa mình với Chúa trong hình ảnh người chăn với con chiên mà chính ông đã kinh nghiệm. Hình ảnh Đức Chúa Trời trong Thi Thiên này là hình ảnh người chăn chiên đầy khả năng và lòng nhân ái. Chúa dẫn dắt và chăm sóc con dân Ngài như người chăn chiên nhân lành dẫn dắt và chăm sóc bầy chiên của mình. Vì thế như bầy chiên, con dân Ngài không bao giờ thiếu thốn. Đồng cỏ xanh, mé nước bình tịnh là biểu tượng về một cuộc sống sung mãn và an bình của những người nằm trong bàn tay chăm sóc của Chúa (Giăng 10:10). Như người chăn, Chúa dẫn dắt con dân Ngài vào các nẻo đường công chính. Nẻo công chính ở đây là mối tương quan đúng đắn với Chúa và với nhau. Trong nẻo công chính, dầu phải đối diện với "trũng bóng chết," con dân Chúa vẫn không sợ hãi vì biết Đấng chăn chiên của mình luôn đi bên cạnh. Con chiên hiền lành yếu đuối không có nanh vuốt nhưng khi nhìn thấy cây trượng và cây gậy của người chăn sẽ tìm thấy sự an ủi, vì biết mình đang được người chăn dẫn dắt và bảo vệ. Cũng vậy, khi nhìn thấy bày tay dẫn dắt của Chúa, con người yếu đuối dại khờ như ta sẽ tìm được niềm an ủi. Nhiều lúc Chúa dùng cây trượng và gậy để sửa phạt nhằm kéo ta lại nẻo công chính và làm ích lợi cho ta. Tại vùng Trung Đông, thành ngữ "dọn bàn" nói đến các công việc chuẩn bị đồng cỏ của người chăn như nhổ cỏ dại, dọn sạch gai gốc, phá các ổ rắn, ổ bò cạp để bầy chiên được an toàn khi ăn cỏ. Khi chiều về chuồng, những con chiên bị thương tích được xức dầu hoặc cho uống những loại nước thuốc được chế bằng các loại cỏ trộn với mật. Những hình ảnh này cho thấy mỗi một nhu cầu và chi tiết nhỏ trong đời sống chúng ta đều được Ngài chăm sóc. Cuối cùng là lời khẳng định rằng phước hạnh và sự thương xót, chứ không phải hoạn nạn hay kẻ thù, cứ theo chúng ta luôn. Phước hạnh và sự thương xót không phải là điều chúng ta có được do tìm kiếm hay theo đuổi nhưng là điều chúng ta nhận lãnh từ Đấng chăn giữ nhân lành. Thành ngữ "Ở trong nhà Đức Giê-hô-va" ở đây chỉ về sự ẩn núp trong Chúa, một sự ẩn núp an toàn trước mọi phong ba. Trong Thi Thiên này, ta thấy hình ảnh người chăn chiên đi từ đầu đến cuối. Bên cạnh đó, những hình ảnh như đồng cỏ xanh tươi, mé nước bình tịnh, lối công bình, trũng bóng chết, cây trượng, cây gậy, bàn, dầu, chén... đều diễn tả sự chăm sóc và bảo vệ của Chúa đối với chúng ta là bầy chiên của Ngài trong suốt cuộc lữ hành của chúng ta trên đất. Tạ ơn Chúa vì Ngài là Người Chăn và con là con chiên. Xin cho con luôn lắng nghe tiếng Người Chăn để không lạc lối.
(c) 2024 svtk.net