"Chúa Giê-hô-va đã ban cho ta cái lưỡi của người được dạy dỗ, hầu cho ta biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ mệt mỏi" (câu #4). Câu hỏi suy ngẫm: Đặc điểm và chức vụ người đầy tớ ở đây được mô tả như thế nào? Có những điểm tương đồng nào với Chúa Giê-xu? Hình ảnh người đầy tớ này cho chúng ta gương mẫu nào để thi hành chức vụ được Chúa giao? Phân đoạn Kinh Thánh này là một trong bốn bài ca về người đầy tớ đau khổ của Ê-sai (Ê-sai 42:1-4, 49:1-6; 50:4-11; 52:13-53:12). Từ lâu các nhà chú giải Kinh Thánh đều thừa nhận bốn bài thơ này là bốn đơn vị mang sắc thái riêng biệt về hình thức lẫn nội dung. Tuy nhiên, những bài ca này cần được hiểu trong bối cảnh của toàn sứ điệp về Chúa Giê-xu, Người Đầy Tớ chịu đau khổ để đem cho chúng ta sự cứu chuộc. Bài ca này được Ê-sai diễn tả trong hình thức tự truyện về chức vụ tiên tri của ông. Ở đây, người đầy tớ được mô tả là người được Đức Chúa Trời ban cho cái lưỡi của người dạy dỗ. Lời của người đầy tớ là Lời đến từ Đức Chúa Trời, nói cách khác sứ điệp của người đến từ Đức Chúa Trời. Vì thế lời của người đầy quyền năng và hiệu nghiệm, có năng lực nâng đỡ kẻ mệt mỏi (câu #4). Sứ điệp của người đầy tớ là Phúc Âm cho những người tuyệt vọng, như trường hợp sứ điệp của Ê-sai cho những người đang lưu đày tại Ba-by-lôn. Người đầy tớ không những có cái lưỡi của người thầy, đồng thời cũng có cái tai của người học trò. Người đầy tớ luôn luôn lắng nghe ý chỉ của Đức Chúa Trời và vâng phục trọn vẹn (câu #5). Người đầy tớ nói ra sứ điệp dầu bị bạc đãi. Người đối diện với những người chống đối trong tinh thần bất bạo động (c. #6) với lòng tin tưởng vào Đức Chúa Trời là Đấng làm sáng tỏ công lý (c. #8). Tuy bài ca này được Ê-sai diễn tả trong hình thức tự truyện nhưng cũng là lời tiên tri về Chúa Cứu Thế, Đấng đến thế gian như một người đầy tớ Phi-líp 2:6), và cũng chỉ về chức vụ của Chúa Giê-xu là Đấng Mết-si-a. Ngài không chỉ là đầy tớ đau khổ nhưng cũng là người đầy tớ quan tâm và săn sóc những người đau khổ. Trong nhà hội đông đúc, Ngàinhìn thấy nỗi đau của người đàn bà bị quỷ ám nằm liệt (Lu-ca 13:10-17). Ngài có thể thấy tình trạng đáng thương của đoàn dân để kêu xin cho họ, vì họ như chiên không có người chăn (Ma-thi-ơ 9:35-38). Ngài có thể nhìn vào thành phố với đám dân lạc loài và muốn tụ tập họ lại như gà mẹ túc con về ấp ủ dưới cánh (Lu-ca 13:34, 35). Như người đầy tớ trong Ê-sai, Chúa Giê-xu vâng phục trọn vẹn ý chỉ Đức Chúa Trời dù phải trả giá bằng sự sỉ nhục và đau đớn với cái chết trên cây thập tự. Chúa Giê-xu an ủi chúng ta với cái lưỡi của người đã học biết và kinh nghiệm sự đau khổ. Ta từng biết những bác sĩ thiếu cảm thông với bệnh nhân, cũng có thể từng biết những mục sư thiếu tấm lòng yêu thương chăm sóc bầy chiên. Tuy nhiên tại đây Ê-sai mô tả một người đầy tớ từng học biết và từng trải nỗi đau của người khác để có thể cảm thông và tận tình chăm sóc. Hình ảnh người đầy tớ, dầu là Ê-sai hay Chúa Giê-xu, cũng là một mô hình để tất cả chúng ta, những tiên tri và đầy tớ của Chúa, học theo để thi hành chức vụ mà Chúa giao cho chúng ta trên đất. Xin Chúa dạy con những lời khôn ngoan để biết khích lệ kẻ ngã lòng.
(c) 2024 svtk.net