Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 2

Bữa Ăn Kỷ Niệm

Xuất Ê-díp-tô Ký 12:1-28

"Từ nay trở đi, hằng năm các ngươi phải giữ lễ này để kỷ niệm ngày Chúa Hằng Hữu giải cứu mình" (câu #14 TKHĐ). Câu hỏi suy ngẫm: Chúa chỉ dẫn cho dân Y-sơ-ra-ên giữ lễ Vượt qua như thế nào? Lễ này có ý nghĩa và mục đích gì? Liên quan thế nào đến lễ tiệc thánh? Tại sao chúng ta cần dự tiệc thánh? Khi dự tiệc thánh bạn được nhắc nhở điều gì? Phân đoạn Kinh Thánh này là lời chỉ dẫn trực tiếp của Chúa cho Môi-se và A-rôn về việc cử hành lễ Vượt Qua. Tháng đầu tiên trong năm là tháng dân Y-sơ-ra-ên được giải phóng khỏi Ai Cập. Ngày mười tháng này, mọi gia đình bắt đầu sửa soạn ăn lễ. Ngày mười bốn họ sẽ giết một con chiên hay con dê hoàn toàn tốt lành, lấy huyết bôi trên khung cửa, thịt được quay và ăn với bánh không men và rau đắng. Khi ăn phải thắt lưng gọn gàng, tay cầm gậy, chân mang giày, và phải ăn vội vã. Nếu ăn còn thừa, sáng hôm sau phải đốt. Bữa ăn lễ Vượt Qua nguyên thủy xảy ra vào đêm tất cả các con đầu lòng bị giết, tức tai họa cuối cùng trong mười tai họa Chúa giáng xuống trên dân Ai Cập. Trong đêm lễ Vượt Qua đầu tiên, tất cả đều ăn trong cùng một đêm, nhưng về sau, khi kỷ niệm đêm đáng nhớ ấy, lễ Vượt Qua kéo dài trong bảy ngày. Hằng năm trong dịp này, dân Y-sơ-ra-ên từ khắp nơi hành hương về Giê-ru-sa-lem tham dự (Phục-truyền Luật-lệ Ký 16:2-7). Đối với dân Y-sơ-ra-ên đây là lễ quan trọng nhất vì kỷ niệm ngày Chúa giải phóng họ ra khỏi Ai Cập (câu #14). Họ biết Chúa là Đấng giải phóng họ và họ là dân thuộc về Ngài. Khi gia đình và bạn bè tụ tập lại trong bữa ăn chung, câu chuyện Chúa giải phóng, một biến cố quan trọng nhất trong lịch sử dân tộc, được kể lại. Tại đây ý thức cộng đồng cũng như tinh thần đoàn kết dân tộc được củng cố. Họ cảm thấy được ràng buộc với nhau vì có chung một Chúa là Đấng đã giải phóng để họ trở thành những người tự do. Bữa ăn lễ Vượt Qua của Chúa và các môn đồ cũng là bữa ăn kỷ niệm. Chúa Giê-xu cũng là Chiên Con lễ Vượt Qua, sắp bị giết, không chỉ để giải phóng một dân tộc nhưng toàn thế giới. Vì thế trong chính bữa ăn đó Chúa thiết lập Tiệc Thánh. Bánh và chén chính là sự sống của Ngài mà mỗi con dân Chúa nhận lấy như một thức ăn nuôi sống linh hồn. Bánh không men nhắc nhở rằng ma-na trong đồng vắng không phải là thức ăn để được sự sống đời đời. Ăn bánh và uống chén cũng nói lên sự liên hiệp giữa chúng ta với Chúa. Bữa ăn của Chúa khác những bữa ăn khác vì tại đó chúng ta nhớ thế nào Chúa Giê-xu thật đã vượt qua từ sự chết đến sự sống và thế nào Ngài đã ban cho chúng ta sự sống đời đời. Vì thế khi dự Tiệc Thánh, chúng ta không những để kỷ niệm sự chết của Chúa nhưng cũng để cảm tạ Chúa vì sự sống mà Ngài ban cho chúng ta qua sự chết đó. Tiệc Thánh, eucharist, trong nguyên văn có nghĩa là cảm tạ. Tinh thần hiệp nhất của dân Y-sơ-ra-ên được củng cố khi họ cùng nhau ăn lễ Vượt Qua. Cũng vậy ngày nay khi cùng ăn chung thân Chúa và uống chung huyết Chúa, chúng ta cần được nhắc nhở và củng cố tinh thần yêu thương và hiệp một trong Chúa. Chúng ta có cùng một Chúa là đấng đã giải phóng mỗi một chúng ta khỏi quyền lực của tội lỗi. Chúng ta là những chi thể trong cùng một thân và tất cả chúng ta được nuôi sống bởi chính sự sống của Ngài. Cảm tạ Chúa đã chịu chết để con được giải phóng và được sống. Xin cho con tràn đầy sự sống Ngài để thể hiện tinh thần hiệp một trong Chúa.

(c) 2024 svtk.net