"Muốn lãnh đạo Hội Thánh là mong ước một chức vụ cao quí" (câu #1 TKHĐ). Câu hỏi suy ngẫm: Người lãnh đạo Hội Thánh ở đây gồm những ai? Những phẩm tính nào người lãnh đạo cần có? Bạn có mong ước làm người lãnh đạo Hội Thánh không? Tại sao? Người lãnh đạo Hội Thánh là ai? Đó là người đã tiếp nhận Chúa Cứu Thế, được Đức Chúa Trời kêu gọi dâng trọn thì giờ phục vụ Ngài, và biết rõ mình có những phẩm cách thích hợp với Lời Chúa dạy. Phần Thánh Kinh hôm nay cho thấy những đức tính của người lãnh đạo Hội Thánh. Mở đầu chương 3 Phao-lô viết: "Ví bằng có kẻ mong được làm giám mục, ấy là ước muốn một việc tốt lành, lời đó là phải lắm." Danh từ "giám mục" ở đây cũng như danh từ "trưởng lão" ở I Phi-e-rơ 5:1 đồng nghĩa với danh từ "mục sư" ngày nay. Công việc của mục sư rất cao quý nên ai mong muốn làm công việc ấy thì đáng khích lệ lắm. Tuy nhiên người đó phải được Chúa kêu gọi và biết rõ mình có những phẩm cách thích hợp với lời Thánh Kinh dạy. Phẩm cách thứ nhất của người lãnh đạo Hội Thánh là "không chỗ trách được" (c. #2). Những chữ "không chỗ trách được" không có nghĩa là chẳng có lỗi lầm, không yếu đuối, hoặc chẳng phạm tội. Vì "chẳng có người công bình ở trên đất làm điều thiện mà không hề phạm tội" (Truyền-đạo 7:20). Vậy những chữ "không chỗ trách được" có nghĩa người phục vụ Chúa phải có nếp sống xa lánh tội lỗi. Nếu người phục vụ Chúa có nếp sống bị chê trách thì chức vụ người cũng bị chê trách, danh Chúa bị tổn thương, Hội Thánh bị mất hiệu quả trong sự làm chứng cho người vô đạo. Đức tính thứ hai của người lãnh đạo Hội Thánh là "chồng chỉ một vợ mà thôi". Những chữ "chồng của một vợ," là chỉ về người phục vụ Chúa không được ly dị. Hôn nhân là một thỏa hiệp long trọng, chặt chẽ mà vợ và chồng bước vào trước mặt Đức Chúa Trời và loài người, nên Chúa phán "Ta ghét sự ly dị" (Ma-la-chi 2:16, Bản RSV). Vì thế, người phục vụ Chúa phải "lấy làm vui thích nơi vợ cưới buổi đang thì" (Châm-ngôn 5:18). Trọn những ngày trên đất Đức Chúa Trời ban cho người dưới mặt trời, hãy "ở vui vẻ cùng vợ mình yêu dấu; vì đó là phần của ngươi trong đời này, và là điều ngươi được bởi công lao mình ở dưới mặt trời" (Truyền-đạo 9:9). Đức tính thứ ba của người phục vụ Chúa là "có tiết độ" (I Ti-mô-thê 3:2). Tiết độ có nghĩa là coi chừng, cảnh giác. Người phục vụ Chúa phải cảnh giác các thói quen, thái độ, hành động trong mọi sự. Phao-lô tự chứng: "Mọi điều tôi làm thì làm vì cớ Tin Lành... Mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích; mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều làm gương tốt." (I Cô-rinh-tô 9:23; 10:23). Vì thế, "tôi đãi thân thể tôi cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi đã giảng dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng." (I Cô-rinh-tô 9:27). Bạn nên cảm tạ Đức Chúa Trời về vị mục sư quản nhiệm của mình, vì "anh em làm chứng, Đức Chúa Trời cũng làm chứng rằng cách ăn ở của chúng tôi đối với anh em có lòng tin, thật là thánh sạch, công bình, không chỗ trách được." (I Tê-sa-lô-ni-ca 2:10). Lạy Chúa, xin giúp con và nhiều con cái Chúa khác lắng nghe tiếng gọi của Chúa, sẵn sàng đứng vào hàng ngũ lãnh đạo để đáp ứng nhu cầu Hội Thánh.
(c) 2024 svtk.net