"Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có"(câu #5). Câu hỏi suy ngẫm: Phao-lô đang quan tâm điều gì về Hội Thánh và ông có những lời khuyên nào? Trong phân đoạn này, Phao-lô trình bày Chúa Cứu Thế như thế nào? Nhằm mục đích gì? Bằng cách nào chúng ta có thể thực hiện lời khuyên của Phao-lô? Đây là phân đoạn Kinh Thánh quen thuộc trình bày về Chúa Giê-xu để chúng ta noi theo như một gương mẫu, đồng thời cũng là bản thánh ca tôn ngợi Chúa Cứu Thế là "Danh trên hết mọi danh" vì công tác cứu chuộc của Ngài. Phần đầu (câu #1-4), Phao-lô kêu gọi sự hiệp một và thông công của Hội Thánh. Ở đây Phao-lô mở đầu với thành ngữ "trong Chúa Cứu Thế" để nhấn mạnh đến cội nguồn và nguồn năng lực của đời sống Cơ Đốc nhân. Chỉ trong sự hiện diện của Chúa, chúng ta mới thật sự có sự thông công, tương trợ, khích lệ, an ủi nhau. Những từ ngữ như thông công nơi Thánh Linh, hiệp ý, đồng tình yêu thương, đồng tâm, đồng tư tưởng nói lên sự hiệp một trong tâm linh, trong ý hướng và trong hành động của các tín hữu là những người "trong Chúa Cứu Thế." Đây là những điều Phao-lô quan tâm về Hội Thánh, nhưng làm sao họ có thể thực hiện những điều này trong một Hội Thánh mà các tín hữu thường "tranh cạnh và tìm kiếm hư vinh"(câu #3)? Câu trả lời của Phao-lô là hãy "khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình... không chăm về lợi riêng mình nhưng phải chăm về lợi kẻ khác (câu #3-4). Những lời khuyên này của Phao-lô đã cụ thể hóa những điều chính Chúa đã dạy trong Ma-thi-ơ 7:12 ("Hãy làm cho người khác điều các ngươi muốn người khác làm cho mình") cũng như lời dạy của Chúa về luật pháp: Kính Chúa yêu người (Ma-thi-ơ 22:34-40). Trong phần hai (câu #5-11) Phao-lô trình bày về Chúa Giê-xu là khuôn mẫu để thực hành những lời khuyên "Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có"(câu #5). Trong phần này, Chúa Giê-xu được trình bày theo hai chiều: chiều đi xuống (câu #6-8) và chiều đi lên (#9-11) của Ngài. Trong con đường đi xuống, Chúa đã từ bỏ ngôi vị Thượng Đế với những vinh quang để trở nên giống như loài người. Không phải sinh ra làm một người quyền thế nhưng như một tôi tớ, không phải là tôi tớ ương ngạnh nhưng là tôi tớ vâng phục, không phải vâng phục đến mức độ nào đó nhưng vâng phục cho đến chết, không phải là cái chết êm ả vinh quang nhưng là cái chết đau đớn sỉ nhục trên thập tự giá. Nhưng sau khi thực hiện công tác cứu chuộc, Chúa được đưa lên tột đỉnh. Trong con đường đi lên, thật ra là sự trở về với ngôi vị ban đầu, tại đó "dầu ai ở trên trời dưới đất hay bên dưới đất, mỗi khi nghe Danh Chúa Giê-xu tất cả đều quỳ gối tung hô, tuyên xưng Ngài là Chúa Tể vũ trụ, và tôn vinh Thượng Đế là Cha" (câu #10 TKHĐ). Chúa Giê-xu vừa là gương mẫu đồng thời vừa là năng lực giúp chúng ta có thể bước theo dấu chân Ngài. Một mặt, chúng ta bắt chước Chúa như một mô hình, sống theo gương mẫu của Ngài. Mặt khác, trong sự đáp ứng lời kêu gọi sống theo tâm tình của Chúa, chính "trong Chúa Cứu Thế" chúng ta có sức mạnh để sống theo gương Ngài. Xin Chúa cho con năng lực để sống theo gương Ngài qua đời sống con danh Chúa được tôn cao và nhiều người được phước hạnh.
(c) 2024 svtk.net