"Nếu một tín hữu có của cải sung túc, thấy anh em mình thiếu thốn mà không chịu giúp đỡ, làm sao có thể gọi là người có tình thương của Thượng Đế?" (I Giăng 4:17). Câu hỏi suy ngẫm: Luật dâng của lễ thù ân (câu #5-8) có tính cách xã hội như thế nào? Qui định về việc gặt lúa và mót lúa (câu #9-10) nhằm nhấn mạnh đến nguyên tắc đạo đức nào? Những luật lệ trong phân đoạn này nhắc nhở bạn trách nhiệm nào đối với người lân cận? Bạn thấy cần thực hiện những việc cụ thể nào? Chương 19 chủ yếu nói đến các mối quan hệ trong xã hội. Trong chương này, luật dâng của lễ thù ân đã nói trong những chương trước được lập lại (câu #5-8), nhằm nhấn mạnh đến tính cách xã hội của của-lễ này. Trong số các của-lễ, của-lễ thù ân có tính cách xã hội nhất. Nội trong hai ngày, để có thể ăn hết thịt của sinh tế, gia đình phải mời bạn bè và hàng xóm ăn chung. Như vậy, quy định này nhằm giúp xây dựng một tinh thần san sẻ rộng rãi trong cộng đồng và phù hợp với điều luật tiếp theo. Các câu #9-10 qui định việc gặt lúa và mót lúa (so sánh #23:22; Phục-truyền Luật-lệ Ký 24:19-22). Đây là cách dành phúc lợi cho người nghèo, bao gồm những quả phụ và trẻ mồ côi, cũng như những người không có đất đai phải bán sức lao động hoặc khả năng để mưu sống như các kiều dân, người Lê-vi, người làm mướn. Như vậy, việc cứu giúp người nghèo trong dân Y-sơ-ra-ên được đặt luôn vào cơ chế pháp lý và kinh tế của xã hội, chứ không phải chỉ là vấn đề từ thiện của cá nhân. Điều luật này tiêu biểu cho luật trong Cựu Ước, không nhìn vấn đề theo góc độ quyền lợi mà theo góc độ trách nhiệm. Luật này không chỉ cho phép người nghèo mót lúa, nhưng còn ra lệnh cho các chủ đất chừa lúa lại cho họ mót. Bô-ô là trường hợp điển hình trong thực tế về việc này (Ru-tơ 2). Qui định này nhằm nhắc nhở các chủ đất chú ý đến cảnh khốn khó của người nghèo và trách nhiệm của họ trong việc làm giảm bớt cảnh khốn khó đó trước mặt Đức Chúa Trời. Như vậy, luật này đặt quyền sở hữu tài nguyên vào khuôn khổ chịu trách nhiệm với Đức Chúa Trời và người khác, đồng thời gạt bỏ chủ trương cho rằng quyền tư hữu đất đai là quyền tuyệt đối. Quyền sở hữu đem lại trách nhiệm, chớ không đem lại đặc quyền, đặc lợi. Các câu #11-18 nói đến trách nhiệm của chúng ta với Đức Chúa Trời về người lân cận, loại trừ mọi hình thức gian dối, lường gạt, bóc lột. Cụm từ "Ta là Đức Giê-hô-va" (câu #12, 14, 16, 18) được lập lại nhiều lần nhằm cho thấy rõ mối liên hệ với người khác, yêu kẻ lân cận, phản ánh mối liên hệ với chính Đức Chúa Trời. Lạy Chúa xin giúp con đừng yêu thương đầu môi chót lưỡi, nhưng phải thật lòng yêu thương người khác và chứng tỏ tình yêu đó bằng hành động.
(c) 2024 svtk.net