"Đức Giê-hô-va sẽ diệt hết thảy các môi dua nịnh và lưỡi hay nói cách kiêu ngạo." (c. #3) Câu hỏi suy ngẫm: Tác giả kêu xin Chúa điều gì? Tại sao? Người gian ác sử dụng môi miệng mình như thế nào? Nhằm mục đích gì? Là con cái Chúa, bạn được nhắc nhở điều gì trong lời nói? Thi Thiên 12 nói về tính cách độc hại của tội lỗi. Mở đầu bài thơ là một lời kêu cứu. Tác giả cầu xin Chúa cứu vì "người nhân đức" và "kẻ thành tín" không còn nữa (c. #1). Đây là tiếng kêu than của một người cảm thấy cô độc trong một xã hội bại hoại. Chung quanh không còn ai nhân đức, không còn ai đáng tin cậy. Tác giả kêu cứu vì chung quanh chỉ toàn là những người dối trá, dua nịnh (c. #2). Tác giả trông mong Chúa không những cứu mình khỏi những âm mưu của người gian ác đang cố tình hãm hại, nhưng đồng thời cứu mình khỏi những cám dỗ của tội lỗi. Sống giữa những con người như thế, Chúa là đối tượng duy nhất để tác giả có thể tìm đến để được an ủi. Tác giả biết chắc rằng những người dối trá, dua nịnh, cuối cùng sẽ bị Chúa tiêu diệt (câu #3, 4). Người không kính sợ Chúa dùng lời nói như một khí giới sắc bén để chinh phục hoặc hủy diệt người khác, hoặc để đạt mục tiêu mà mình mong muốn. Tuy nhiên, là con của Chúa, chúng ta nên dùng lời nói để gây dựng và mang lại lợi ích cho người khác. Đọc phần Kinh Thánh nầy, chúng ta cũng nên xét xem lời nói của chúng ta có dối trá và thiếu thành thật như vậy không. Lời Chúa dạy rằng chúng ta phải giữ môi miệng cho thanh sạch, tức là phải nói thật, nói những lời ân hậu và làm đúng những gì mình đã nói. Đó cũng là cách bày tỏ lòng tôn kính Chúa và tình yêu thương đối với người chung quanh. Xin Chúa cho môi miệng con là khí cụ bình an của Chúa để qua đó người khác tìm được niềm an ủi.
(c) 2024 svtk.net