Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 21

Hình Phạt và Thương Xót

Giô-na 3:3-10

"Thượng Đế thấy việc họ làm, biết họ lìa bỏ đường gian ác, nên đổi ý không giáng tai họa hình phạt như Ngài đã phán" (câu #10 TKHĐ). Câu hỏi suy ngẫm: Giô-na rao giảng cho dân Ni-ni-ve sứ điệp nào? Sứ điệp này có đặc điểm nào? Kết quả ra sao? Người giảng và người nghe trong phân đoạn này cho chúng ta bài học nào? Tại đây bạn học được điều gì về Đức Chúa Trời? Trong Cựu Ước, quyền năng Đức Chúa Trời thường được bày tỏ qua sự đoán phạt. Trong phân đoạn Kinh Thánh hôm nay, sứ điệp Giô-na nhận từ Đức Chúa Trời là Ngài sẽ đoán phạt dân thành Ni-ni-ve vì tội lỗi của họ. Ngài cho biết còn bốn mươi ngày nữa thì Ni-ni-ve sẽ bị đổ xuống. Đây là lời cảnh cáo, tuy nhiên trong đó hàm chứa ân sủng và sự thương xót của Đức Chúa Trời đối với dân ngoại. Chúa gia hạn cho họ một thời gian bốn mươi ngày để thay đổi lối sống. Nếu họ ăn năn Đức Chúa Trời sẽ thương xót và ngưng không giáng họa. Ngài có quyền tiêu diệt họ tức khắc không cần báo trước, nhưng vì lòng thương xót, Ngài cho thời gian để ăn năn. Với tinh thần ái quốc cực đoan, Giô-na thù ghét dân Ni-ni-ve và muốn họ bị tiêu diệt nhưng Chúa lại sai ông đến rao giảng và tạo cơ hội cho họ ăn năn. Đây là lần thứ hai Lời Chúa đến với Giô-na, lần này ông vâng phục. Sau khi được Chúa sửa phạt và uốn nắn, Giô-na đã trở nên nhạy cảm về ý muốn Đức Chúa Trời. Kết quả là dân chúng nghe sứ điệp của Giô-na và tin Đức Chúa Trời (câu #5). Từ lớn cho đến nhỏ đều khóc lóc ăn năn tội lỗi và tìm kiếm Chúa. Họ tiếp nhận Lời Chúa và đáp ứng bằng đức tin. Dân thành Ni-ni-ve xây bỏ đường lối xấu (câu #10) và Đức Chúa Trời bỏ ý định hủy diệt họ. Sự thay đổi tận gốc của dân Ni-ni-ve phản ánh ý nghĩa cứu chuộc trong sứ điệp Giô-na. Về phía người rao giảng, có những nơi tối tăm mà ánh sáng của Chúa cần soi rọi đến. Sự cứu rỗi đã đến với dân Ni-ni-ve chứng tỏ Chúa khải tỏ chính Ngài không chỉ cho dân Y-sơ-ra-ên nhưng còn cho toàn thế giới. Về phía người nghe, sự phục hưng không chỉ nghe lời Chúa nhưng còn tin và đáp ứng bằng hành động cụ thể. Tình trạng đời sống chúng ta sẽ chẳng có gì thay đổi cho đến khi chúng ta mở lòng tiếp nhận và đáp ứng lời Chúa. Xin Chúa giúp con nhạy cảm với tiếng gọi của Ngài và sẵn sàng đi ra rao giảng Phúc Âm cứu rỗi cho người khác.

(c) 2024 svtk.net