"Chúa căn dặn: ỦCác con đừng vội ra khỏi thành Giê-ru-sa-lem, nhưng phải ở lại chờ đợi điều Cha hứa, như Ta đã nói trước. Vì Giăng chỉ làm lễ báp-têm bằng nước, nhưng ít ngày nữa các con sẽ được báp-têm bằng Thánh Linh"" (câu #4, 5 TKHĐ). Câu hỏi suy ngẫm: Trước khi thăng thiên, Chúa truyền các môn đồ phải chờ đợi điều gì? Chờ đợi bằng cách nào? Việc chờ đợi quan trọng ra sao? Phân đoạn Kinh Thánh này cho thấy chúng ta cần làm gì để nhận đuợc quyền năng của Chúa để làm chứng về Ngài? Hôm nay và trong những lần tới, chúng ta sẽ suy niệm sách Công Vụ Các Sứ Đồ để nhìn biết được công tác của Thánh Linh thực hiện qua các sứ đồ, chấp sự và tín hữu trong Hội Thánh thời sơ khai. Đây là sách thứ hai do Lu-ca viết. Trong sách thứ nhất (Phúc Âm Lu-ca), ông đã chép lại "mọi điều Chúa Giê-xu đã làm và dạy từ ban đầu cho đến ngày Ngài được cất lên trời" (Lu-ca 1;1). Trong quyển sách thứ hai này, Lu-ca ghi lại mọi việc các môn đệ làm sau khi Chúa Giê-xu từ giã họ về trời" (Công-vụ các Sứ-đồ 1:1-4). Phân đoạn Thánh Kinh hôm nay cho thấy, các môn đệ chỉ có thể làm công việc Chúa, khi trước hết họ phải có đời sống tương giao với Chúa. Câu #3, 4 chép": "Trước mặt các sứ đồ, Ngài lấy nhiều chứng cớ tỏ ra mình là sống... và lúc ở với họ, Ngài dặn rằng đừng ra khỏi thành Giê-ru-sa-lem..." Cụm từ "trước mặt các sứ đồ", "lúc ở với họ", nhấn mạnh sự tương giao mật thiết giữa các môn đệ với Chúa phục sinh, và Chúa phục sinh với các môn đệ. Trước kia, các môn đệ không bao giờ nghĩ rằng Chúa sẽ sống lại, mặc dù có đôi lần Ngài đã nói trước với họ. Nhưng khi Chúa Cứu Thế thật sự từ cõi chết sống lại, hiện ra cho họ xem thấy, ở với họ, phán dạy thêm cho họ về những việc của nước trời, thì họ đã có niềm tin vững vàng nơi Chúa phục sinh. Họ biết Đấng mình đang tôn thờ là Đấng sống và Ngài là Vị Cứu Tinh của loài người. Vì thế, họ yêu mến Ngài, sống trong sự tương giao thân mật với Ngài. Mỗi người trong họ đều kinh nghiệm được quyền năng sự hiện diện của Chúa trên đời sống mình cách cá nhân, một sự hiện diện mà những người ngoài Chúa không bao giờ được biết đến. Một tín hữu kia bị bệnh nặng nên vị mục sư đến nhà thăm viếng. Sau một hồi hỏi thăm sức khỏe, vị mục sư để ý thấy có một chiếc ghế trống đặt cạnh bên giường người bệnh, khiến ai nhìn thấy cũng phải nghĩ mới đây đã có người ngồi vào đó. Vì thế, vị mục sư nhìn người tín hữu đang nằm trên giường bệnh và nói: "Tôi nghĩ, hôm nay tôi không phải là người đầu tiên đến thăm ông". Người tín hữu lúc ấy ngạc nhiên ngước nhìn vị mục sư, thì vị mục sư liền chỉ cho ông thấy chiếc ghế đó. Ông liền nói: "Thưa mục sư, tôi hiểu rồi, có lẽ vì thấy chiếc ghế trống đặt cạnh giường tôi nên mục sư cho là có người khác vừa đến thăm tôi. Thưa mục sư, không phải vậy, để tôi kể cho mục sư nghe về câu chuyện chiếc ghế trống này. Nhiều năm trước, tôi cảm thấy việc cầu nguyện tương giao với Chúa là một việc rất khó làm. Tôi thường hay bị ngủ gật khi đang quỳ gối cầu nguyện, hoặc nếu có thức thì tâm trí tôi cũng đi lang thang, không tập trung được. Tôi đem điều này nói lại cho vị mục sư tiền nhiệm. Ông bảo tôi đừng lo lắng chi cả và ông đề nghị rằng: mỗi khi cầu nguyện, tôi nên ngồi vào ghế và đặt một cái ghế trống đối diện trước mặt rồi hãy hình dung như Chúa Giê-xu đang ngồi trên ghế đó và tôi có thể thưa chuyện với Ngài như một người bạn. Từ đó đến nay, tôi vẫn thực hành lời khuyên này nên không còn cảm thấy khó khăn khi cầu nguyện với Chúa. Hiện nay tôi đang có sự tương giao thân mật với Ngài. Tôi thường thưa chuyện với Chúa và Ngài nói chuyện với tôi như một người bạn mỗi ngày. Tôi đã kinh nghiệm được quyền năng sự hiện diện của Ngài trên đời sống nên đã có được sự bình an, vui thỏa tràn ngập trong lòng. Và đó là ý nghĩa của chiếc ghế trống mà mục sư đang thắc mắc. Bạn có đang sống trong sự tương giao thân mật với Chúa phục sinh không? Chúng ta có đang kinh nghiệm được quyền năng sự hiện diện Ngài trên đời sống cách cá nhân không? Xin Chúa cho con luôn sống trong mối tương giao với Chúa để kinh nghiệm được sức sống và quyền năng của Ngài trong đời sống.
(c) 2024 svtk.net