"Ngài phán cùng các môn đồ rằng: Mùa gặt thì trúng, song con gặt thì ít. Vậy, hãy xin Chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa của mình" (câu 2).
Câu hỏi suy ngẫm: Chúa sai các môn đồ ra đi với mục đích gì? Ngài căn dặn và cho họ biết trước những điều gì? Qua cuộc hành trình truyền giáo của các môn đồ, chúng ta có thể rút ra được những bài học nào cho công tác truyền giáo hôm nay? Bạn áp dụng những bài học này thế nào cho chính bạn?
Phần Kinh Thánh này ghi lại việc Chúa sai bảy mươi môn đệ ra đi rao truyền cho dân làng biết Nước Trời đã đến gần. Khi sứ giả ra đi và trở về, hành trình truyền giáo của họ cho thấy bốn điều quan trọng về việc rao truyền Phúc Âm của Chúa.
Trước hết, cần cầu nguyện cho có thêm nhiều con gặt (c.20). Đây là nhu cầu về công tác truyền giáo được chính Chúa Giê-xu bày tỏ. Người dấn thân vào công tác truyền giáo là người muốn hy sinh những thỏai mái, tiện nghi, ấm cúng trong khung cảnh gia đình để đến một nơi nào đó rao giảng Phúc Âm. Chúa muốn môn đồ của Chúa noi gương Ngài đi ra tìm và cứu kẻ bị hư mất, chứ không phải xây dựng một trung tâm nào đó và chờ mong người chưa được cứu đến với mình. Chúa muốn chúng ta cầu nguyện để có nhiều người đi ra đến với người ngoại chứ không phải cầu nguyện để người ngoại kéo nhau đến trước cửa nhà thờ.
Thứ hai, phải ra đi với đức tin (c.4). Chúa sai các môn đồ ra đi để làm "thợ gặt" chứ không để "nghỉ mát," không phải đi đến chốn an lành nhưng đi giữa bầy muông sói (c.3). Chúa nhắc cho các môn đồ về những khó khăn, thách thức, chống đối họ gặp dọc đường. Vì thế họ phải biết nhờ cậy Chúa từng giây phút. Họ phải ra đi với đức tin, không đem theo tiền bạc hay những thứ dư thừa khác để biết nương cậy, tùy thuộc Chúa mỗi ngày. Họ không cần bận tâm về nhu cầu vật chất vì chính Chúa sẽ cung cấp cho họ mọi thứ cần dùng. Điều quan trọng để chúng ta hoàn thành bất cứ công tác Chúa giao là phải nhận biết chính mình không thể thực hiện công tác đó. Chúng ta cần nhận thức như Phao-lô, "Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi" (Phi-líp 4:13.)
Thứ ba, cần biết trước những thành công cũng như thất bại (c.6-16). Khi các môn đồ rao truyền Phúc Âm, có người sẽ tiếp nhận nhưng cũng có người chống đối. Có một mối liên hệ giữa sứ điệp và người rao truyền sứ điệp. Khi người hư mất từ chối Chúa Cứu Thế, họ từ chối Cơ Đốc nhân, và ngược lại. Khi chúng ta chia sẻ sứ điệp hy vọng, chúng ta đại diện cho chính Chúa Cứu Thế. Nếu họ nghe chúng ta tức là họ nghe Chúa, nếu họ từ chối chúng ta là từ chối Chúa.
Thứ tư, sẽ trở về với niềm vui (c.17-20). Các môn đồ sau khi hoàn thành công tác, họ trở về với niềm vui. Bởi quyền năng Chúa, họ đã bắt phục được các quỉ. Chúa cho họ biết trước rằng "quỉ Sa-tan từ trời sa xuống như chớp" (c.18), có nghĩa là ma quỉ sẽ chống đối, bách hại họ nhiều hơn, nhưng Chúa cũng sẽ ban cho họ quyền năng đắc thắng. Tuy nhiên niềm vui đích thực của người rao giảng Phúc Âm không phải là bắt phục các quỉ nhưng vì tên của họ được ghi trên thiên đàng (c.20). Là con cái Chúa, không có niềm vui nào lớn hơn là được Chúa dùng để đưa nhiều người đến với Ngài, dầu phải từ bỏ những thú vui và hạnh phúc tạm bợ của đời này.
Xin Chúa cho con biết nhờ cậy Thánh Linh để kinh nghiệm sự chu cấp, quyền năng, và kết quả trong công tác rao truyền Phúc Âm.
(c) 2024 svtk.net