"Chúa đã hy sinh cứu chúng ta khỏi mọi tội lỗi, luyện lọc chúng ta thành dân tộc riêng của Ngài để sốt sắng làm việc thiện" (c.14 TKHĐ).
Câu hỏi suy ngẫm: Theo Phao-lô một người lãnh đạo Hội Thánh cần có những phẩm tính nào? Những phẩm tính nào quan trọng đối với bối cảnh của Hội Thánh Cơ-rết? Những phẩm tính đó quan trọng thế nào cho tôi tớ và con cái Chúa ngày nay? Dầu là tôi tớ hay con cái Chúa, lời dạy của Phao-lô nhắc bạn điều gì? Bạn cần thực hành ra sao?
Phao-lô tóm tắt mục đích rao giảng Phúc Âm trong lời kêu gọi mọi người tin cậy nơi Đức Chúa Trời và sống cuộc đời tin kính (c.1, 2). Vì thế ông khuyên Tít ở lại Cơ-rết thiết lập thành phần lãnh đạo Hội Thánh để thực hiện mục đích đó.
Trung thành với giáo lý thuần túy mà họ đã nhận lãnh là điều kiện quan trọng của người lãnh đạo (c.9). Hội Thánh Cơ-rết bấy giờ đang bị đe dọa bởi tà giáo muốn nhấn mạnh đến hình thức duy luật của Do Thái giáo (c.10, 11, 13b, 14). Tà giáo này chống lại giáo lý chân truyền bằng hình thức dối trá. Những người theo tà thuyết này cũng vì "mối lợi đáng bỉ" (c.11). Ngày nay, tà giáo và những quan niệm lệch lạc ngày càng phát triển, nhiều người bị dẫn dụ theo tà thuyết do không nắm vững Lời Chúa, một số khác vì những lợi lộc cá nhân.
Bên cạnh phẩm tính "hằng giữ đạo thật y như đã nghe dạy," Phao-lô còn nhấn mạnh đến những phẩm tính đạo đức gương mẫu mà người lãnh đạo phải có (c.6-8). Họ phải có tiêu chuẩn cao về đời sống gia đình (c.6), về mối liên hệ với người khác (c.7), về kỷ luật cá nhân (c.8). Những phẩm tính này rất cần thiết không những thể hiện bản tính đổi mới của một người tin Chúa, còn là mẫu mực cho một xã hội tội lỗi, băng hoại như người Cơ-rết bấy giờ (c.10-16). Cơ Đốc nhân phải sống khác với người chưa tin, vì "nếu ai ở trong Chúa Cứu Thế thì nấy là người được dựng nên mới, những sự cũ đã qua đi, và mọi sự đều trở nên mới" (II Cô-rinh-tô 5:17). Phao-lô hiểu rất rõ bối cảnh của những tín hữu Cơ-rết (c.12, 13), vì thế ông muốn nhắc nhở, quở trách những tín hữu tại đây đừng để mang tiếng là "nói dối, là thú dữ, ham ăn làm biếng" .
Hội Thánh vẫn còn ở giữa thế gian nên phải sống giữa một nền văn hóa nhất định nào đó. Văn hóa nào cũng có những nét tiêu cực cần được Phúc Âm của Chúa soi rọi. Tuy nhiên nhiều lúc những nét tiêu cực của nền văn hóa chung quanh đã tràn lấn vào Hội Thánh. Nhiều con cái Chúa bị cám dỗ sống như người chưa biết Chúa vì không muốn sống "khác người" hay bị coi là lập dị. Sống giữa xã hội tội lỗi, chúng ta cần nhờ Chúa giúp sức để "đừng làm theo đời này" (Rô-ma 12:2), trái lại dùng quyền năng của Phúc Âm để biến đổi đời này. Sống Phúc Âm là đem ánh sáng Phúc Âm vào nơi tăm tối, thay vì để lối sống theo đời dập tắt ánh sáng Phúc Âm.
Lạy Chúa, xin giúp con sống một đời sống thánh khiết trong tư tưởng, lời nói và việc làm để danh Chúa được vinh hiển.
(c) 2024 svtk.net