"Khi đến Giê-ru-sa-lem, các trưởng tộc tùy khả năng cung hiến tài vật để thực hiện công tác tái thiết Đền Thờ Chúa" (câu 68 TKHĐ).
Câu hỏi suy ngẫm: Có bao nhiêu chi tộc quay về? Họ làm gì khi quay về? Đức Chúa Trời đã chuẩn bị bạn làm gì trong công tác xây dựng Hội Thánh ngày nay? Bạn đã trung tín trong việc đó như thế nào?
Việc trở về Giê-ru-sa-lem của dân Y-sơ-ra-ên bao gồm việc tháo dỡ, đóng gói mọi thứ hàng hóa để chuẩn bị cho hành trình 900 dặm đến một quê hương mới mà nhiều người trong họ chưa từng thấy. Dường như đây là danh sách của 50.000 người đã được Đức Chúa Trời cảm động để trở về dưới sự lãnh đạo của Xô-rô-ba-bên (người lãnh đạo) và Giê-hô-sua (thầy tế lễ cả). Cũng nên lưu ý rằng một đứa bé mười tuổi, kể từ lần đầu tiên Nê-bu-cát-nết-sa trục xuất ra khỏi xứ, bây giờ đã là ông già tám mươi. Vì thế chỉ còn một số rất ít người còn lưu lại những ký ức sống động về quê hương của họ. Dầu vậy những người sống sót sau 70 năm lưu đày tự nhận thức rằng mình là một dân tộc thuộc riêng về Chúa. Họ là một cộng đồng thờ phượng Đức Chúa Trời, đã tồn tại trong suốt cuộc lưu đày, dẫu rằng cách thờ phượng, các nghi lễ hiến tế đền thờ bị cấm đoán trong những đồng bằng của Ba-by-lôn. Danh sách thể hiện ý nghĩa sâu sắc của cộng đồng lịch sử này.
Đền thờ mới phải được xây dựng và chăm sóc bởi dòng dõi của những người đã phục vụ trong đền thờ của Sa-lô-môn: các thầy tế lễ; những người Lê-vi; các ca sĩ; những người giữ cổng và những người phục vụ khác trong đền thờ. Trong đền thờ mới, cũng như trong đền thờ cũ, mỗi người có một vai trò và chức vụ riêng. Các thầy tế lễ phải có một dòng dõi "thuần khiết" thích hợp. Những người không thể trưng ra bằng chứng có thể chấp nhận được về huyết thống của mình sẽ không được nhận nhiệm vụ, phải chờ giấy ủy nhiệm. Dĩ nhiên, trong thời Tân Ước, mọi tín nhân đều là tế lễ, "dâng của tế lễ thiêng liêng, nhờ Đức Chúa Jêsus Christ mà đẹp ý Đức Chúa Trời" (I Phi-e-rơ 2:5).
Sự hồi sinh của quốc gia sau chuyến lưu đày đã diễn ra trên cơ sở trở lại với những truyền thống thần học sâu rộng. Nói cách khác, sự hồi hương của họ trước hết là sự quay về thờ phượng Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật một cách hiệp lễ nghi và đẹp ý Ngài. Thờ phượng và phục vụ Chúa là lý do để dân Y-sơ-ra-ên, cũng như Hội Thánh trong thời Tân Ước, được lựa chọn và tồn tại giữa trần gian (I Cô- rinh-tô 12:4-11).
Lạy Chúa, xin giúp con thấy được sự quan phòng của Ngài trên Hội Thánh và giúp con sống đúng với vai trò và sứ mạng mà Chúa giao phó giữa trần gian.
(c) 2024 svtk.net