"Ta không gọi các con là tôi tớ nữa vì tôi tớ không biết đường lối của chủ. Nhưng ta gọi các con là bạn hữu ta vì ta tiết lộ cho các con mọi điều cha đã dạy"(Giăng 15:15 TKHĐ).
Câu hỏi suy ngẫm: Đức Chúa Trời tiết lộ cho Áp-ra-ham kế hoạch nào của Ngài? Vì sao? Lập luận mà ông dùng khi cầu xin Đức Chúa Trời ở đây là gì? Thái độ của Đức Chúa Trời như thế nào? Bạn học được điều gì về Đức Chúa Trời? Về Áp-ra-ham?
Đức Chúa Trời đã tiết lộ cho Áp-ra-ham biết số phận của Sô-đôm và Ngài muốn ông giải thích ý nghĩa của những diễn biến đó cho những thế hệ mai sau (c.19) là những người được kêu gọi để trở nên dân thánh của Ngài. Tại đây Đức Chúa Trời cũng muốn nhấn mạnh quyền tể trị của Ngài trên các dân tộc về mặt đạo đức. Tiêu chuẩn để xét đoán một dân tộc không phải là tiêu chuẩn kinh tế hay một tiêu chuẩn nào khác mà chính là sự công chính của Đức Chúa Trời (Khải-huyền 8:9-20). Tiềm năng về kinh tế, sức mạnh về mặt quân sự hay trình độ tri thức cao không thể nào cứu được loài người khỏi sự đoán phạt của Ngài.
Chúng ta thấy trên các phương tiện truyền thông ngày nay dường như thiếu mất nhiều nốt nhạc trong đó có nốt nhạc của sự công chính. Công việc của con người ngày nay vẫn thường xuất phát từ quan điểm khôn ngoan trần tục và sự công chính bị gạt bỏ sang một bên vì những lợi ích dơ bẩn. Vì thế, con dân Chúa cần phải đặt "các điều công bình và ngay thẳng"(c.19) vào một chỗ thích hợp trong mọi công việc. Chúng ta cần nhớ rằng không phải chỉ có sự nuông chiều theo tình dục xác thịt như Sô-đôm mới trêu chọc cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời mà còn rất nhiều điều khác cũng làm cho Ngài nổi giận không kém như những tội lỗi được chép trong Châm-ngôn 6:16-19, Khải-huyền 21:8. Trước sự tiết lộ của Đức Chúa Trời, phản ứng của Áp-ra-ham là đã quên mình để dám mặc cả với Ngài về số phận của Sô-đôm. Ông đã dám"vật lộn"trong khi cầu nguyện như là Gia-cốp vật lộn với thiên sứ (Sáng-thế Ký 32:24). Luận cứ sắc bén của ông ở đây là"Chúa sẽ diệt người công bình luôn với người độc ác sao?"(c.22). Chúng ta thấy Đức Chúa Trời đầy lòng khoan dung đã chấp nhận lời nài xin của ông nhưng chỉ ở giới hạn cuối cùng là nếu có mười người công bình trong thành Sô-đôm, Ngài sẽ không diệt thành nầy (c.32). Con số người công bình của Đức Chúa Trời tuy ít nhưng là yếu tố quyết định cho sự tồn vong của cả một thành phố hay một dân tộc. Lời nói của Chúa Giê-xu trong Giăng 15:15 đã giải thích lý do tại sao Ngài không còn gọi các môn đồ cuả Ngài là đầy tớ nữa nhưng Ngài gọi họ là bạn của Ngài cũng như Sáng-thế Ký 18:17 cũng đã giải thích rõ tại sao Áp-ra-ham được gọi là bạn của Đức Chúa Trời.
Lạy Chúa, xin chỉ dạy cho con biết làm thế nào để trở nên bạn thật của Ngài và luôn khẩn nài cho dân tộc con như là Áp-ra-ham.
(c) 2024 svtk.net