Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 19

Bảy Kỳ Ngôn - 1

Lu-ca 23:26 -38

"Song Đức Chúa Giê-xu cầu rằng: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết điều mình làm" (c.34).

Câu hỏi suy ngẫm: Trong phân đoạn này có những ai? Hãy kể ra thái độ, hành động họ dành cho Chúa? Tại sao họ làm như vậy? Chúa Giê-xu đối xử với thái độ, hành động của họ như thế nào? Bạn có gặp ai chống đối, bắt bớ, ghen ghét, thù nghịch với bạn không? Bạn có thật sự tha thứ cho họ không? Tha thứ dễ hay khó?

Người cổ xưa để lại cho chúng ta bảy công trình xây dựng độc đáo mà người ta thường gọi là bảy kỳ quan của thế giới. Chúa Giê-xu khi tại thế, Ngài không xây dựng một đền đài hay dinh thự nào cả, nhưng Ngài để lại cho chúng ta những điều còn quý giá còn tốt đẹp hơn các dinh thự đền đài. Ngài để lại cho chúng ta những lời dạy vàng ngọc, những lời hằng sống của Ngài. Chỉ bảy lời cuối, Ngài kêu lên khi bị đóng đinh trên cây thập tự cũng đáng cho chúng ta suy gẫm, chiêm ngưỡng. Chúng ta có thể gọi đây là"Bảy Kỳ Ngôn" (Seven Great Words) của Chúa. Chúng ta tìm thấy bảy kỳ ngôn này ghi trong các sách Phúc Âm, mỗi sách ghi một số lời. Lời đầu tiên chúng ta suy gẫm ghi trong Lu-ca 23:34. Chúa đã cầu nguyện rằng:"Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết điều mình làm". Đây là lời cầu nguyện thật kỳ diệu vì nhiều lý do:

Hoàn cảnh cầu nguyện. Chúng ta không quên rằng Chúa đang bị đóng đinh trên thập tự giá. Ngài đã bị bắt, bị đánh đập, bị sỉ nhục, bị vu cáo. Người ta lột trần Ngài và đóng đinh Ngài trên thập tự giá. Nếu bị nạn một cách oan ức như Chúa, chắc chúng ta căm hận lắm, buồn rầu lắm. Lời cuối của những người bị hành hình thường là những lời chưởi bới, nguyền rủa kẻ thù. Nhưng Chúa thì khác. Thay vì nguyền rủa Chúa đã chúc phước, đã cầu thay cho kẻ thù.

Đối tượng cầu nguyện. Chúa đã xin Cha tha tội cho họ. Họ ở đây là ai? Chúng ta nghĩ ngay đến những người lính đã đánh đập, đã đóng đinh Ngài. Họ không chỉ thi hành án lệnh vì nhiệm vụ của mình, nhưng với ác tính của con người, họ xem việc hành hình, việc gây cho người khác đau đớn khổ sở như một trò vui, một cách thỏa mãn khao khát thống trị người khác. Chúng ta cũng nghĩ đến những người Pha-ri- si, những thầy thông giáo, những thầy tế lễ. Một đám người đạo đức giả, đầy tham vọng, đầy ích kỷ, đã vì quyền lợi cá nhân mà sẵn sàng vu cáo để giết hại Đấng nhân lành. Chúng ta cũng có thể nghĩ đến Phi-lát, người đại diện cho công lý để bênh vực người vô tội, và hành phạt kẻ có tội. Phi-lát biết rõ Chúa vô tội nhưng ông đã rửa tay, phó mặc người vô tội cho những kẻ ác hành hại. Chúng ta, cũng có thể nghĩ đến đám đông a dua không phân biệt phải trái mà nghe theo lời xúi giục của các thầy tế lễ mà hô lên rằng:"Hãy đóng đinh hắn, hãy đóng đinh hắn trên cây thập tự". Còn ai Chúa muốn xin Cha tha tội nữa? Còn các môn đồ của Ngài. Họ là những người đã theo Ngài, đã nghe lời Chúa dạy, đã thấy Chúa làm phép lạ, đã thề sống chết rằng họ chẳng hề bỏ Ngài. Nhưng tất cả đã bỏ rơi Ngài. Người môn đồ can đảm nhất là Phi-e-rơ thì theo Ngài xa xa, và cuối cùng đã chối không biết Ngài đến ba lần. Tất cả bạn cũng như thù, đã hành hại Ngài, hay bỏ rơi Ngài đều gây cho Ngài tổn thương, thể xác cũng như tinh thần. Nhưng Chúa xin tha, tha tất cả. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có tha thứ cho người xung quanh chúng ta chăng? Hãy nhớ rằng: Trên thập tự giá, Chúa cũng xin Cha tha tội cho chúng ta, vì chúng ta cũng đã từng vô tình hay cố ý hành hại, hay bỏ rơi người khác, giống như những kẻ thù và bạn hữu của Chúa đã từng làm cho Ngài.

Chúa ơi, tha thứ là việc rất khó, xin giúp con theo gương Ngài mà tha thứ cho những người chống nghịch con.

(c) 2024 svtk.net