Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 5

Căn Bản Của Phúc Âm

I Cô-rinh-tô 15:1-11

"Ðấng Christ chịu chết vì tội lỗi chúng ta theo lời Kinh Thánh. Ngài đã bị chôn, đến Ngài thứ ba Ngài sống lại theo Lời Kinh Thánh" (c.3b-4)

Câu hỏi suy ngẫm: Căn bản của Phúc Âm là gì? Phao-lô làm chứng về sự Chúa Giê-xu sống lại thế nào? Bạn tin Chúa thật sự sống lại không? Làm sao để bạn làm chứng rằng Chúa Giê-xu đã sống lại?

I Cô-rinh-tô chương 15 là một trong những phân đoạn quan trọng nhất trong Thánh Kinh, nói về một giáo lý quan trọng là sự sống lại. Sở dĩ Phao-lô viết đoạn nầy vì trong Hội Thánh Cô-rinh-tô lúc bấy giờ có những người không tin rằng người chết sẽ sống lại (c.12). Phao-lô chứng minh rằng chắc chắn sẽ có sự sống lại. Ba phần chính của phân đoạn Kinh Thánh nầy là:

(1) Chúa Giê-xu thật sự đã sống lại (c.1-11).

(2) Sự sống lại của Chúa Giê-xu đảm bảo cho sự sống lại của chúng ta (c.12-34).

(3) Không có điều gì có thể ngăn cản sự sống lại (c.25-58).

Hôm nay chúng ta chỉ nghiên cứu phần thứ nhất:

1. Chúa Giê-xu đã thật sự sống lại: trước hết, sứ đồ Phao-lô nói rằng việc Chúa Giê-xu sống lại là căn bản của đạo Chúa. Ba điều căn bản của đạo Chúa là (1) Chúa đã chết. (2) Chúa bị chôn. (3) Chúa đã sống lại.

Phao-lô dùng nhiều bằng chứng chứng minh rằng việc Chúa Giê-xu sống lại là điều có thật. Ông kể tên những người Chúa đã hiện ra sau khi sống lại, trong số đó có cả ông. Ông gọi việc Chúa hiện ra cho ông trên đường đến thành Ða-mách"như cho một thai sinh non", nghĩa là ông không kể mình là người xứng đáng được làm sứ đồ của Chúa vì ông chẳng những"sinh sau đẻ muộn" nhưng cũng sinh ra không đúng lúc, không đủ ngày đủ tháng.

Phao-lô là người khiêm nhường, ông cho mình không đủ tư cách để làm sứ đồ, nhưng nhờ ơn của Chúa, ông được giao cho trách nhiệm nặng nề và đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.

Ba điều quan trọng cần ghi nhớ trong phần nầy là:

1. Việc Chúa Giê-xu sống lại là một giáo lý quan trọng, được các nhân chứng đã gặp Chúa xác nhận.

2. Dù chúng ta là ai, có quá khứ như thế nào, Chúa vẫn yêu thương và ban ơn cho chúng ta.

3. Khi làm được việc gì cho Chúa, chúng ta nên kể đó là ơn của Chúa, không phải công trạng của chúng ta.

Cám ơn Chúa đã cứu con và ban cho con ơn lành của Ngài. Xin giúp con biết làm trọn những điều Chúa đã giao phó và nương nhờ vào ơn Chúa để sống mỗi ngày.

(c) 2024 svtk.net