"Hãy nên thánh, vì ta là thánh" (I Phi-e-rơ 1:16).
Câu hỏi suy ngẫm: Điều gì xảy ra ở Giê-ru-sa-lem khi Nê-hê-mi vắng mặt? Tại sao? Nê-hê-mi phản ứng như thế nào khi ông trở về? Nếu bạn là người lãnh đạo bạn sẽ phản ứng thế nào?
Phân đoạn hôm nay đề cập đến cái vòng lẩn quẩn rất quen thuộc của dân Y-sơ-ra-ên. Sau khi khóc lóc trong chương 8, xưng tội và hứa nguyện trong chương 9, chúng ta hy vọng rằng sự việc sẽ tốt hơn. Nhưng chẳng bao lâu sau khi Nê-hê-mi rời Giê-ru-sa-lem thì những lề thói cũ lại xuất hiện. Điều này gây đau lòng không ít cho Nê-hê-mi. Khi chúng ta hết lòng quan tâm đến người khác, sự thất bại của họ chắc chắn sẽ là nỗi đau lòng của chúng ta. Con đường để đạt đến nếp sống thánh thiện không phải là con đường bằng phẳng. Điều này chẳng có gì ngạc nhiên vì chúng ta đang sống và đấu tranh trong một thế giới đầy tội lỗi. Thách thức đối với hết thảy chúng ta là nhớ giữ lấy mục tiêu. Để có được nếp sống thánh thiện và không chệch khỏi mục tiêu mà Đức Chúa Trời đã đề ra, chúng ta phải cần đến sự trợ giúp của cộng đồng Cơ Đốc (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:11) và của Đức Thánh Linh (Rô-ma 8:12-17). Thách thức đặc biệt đối với những người lãnh đạo có tình yêu thương nhưng quả quyết là giữ lấy mục tiêu trước những người khác (chúng ta có thể thấy Nê-hê-mi tỏ lộ sự quả quyết hơn là lòng yêu thương). Thế nhưng mục đích ở đây là gì? Theo Cựu lẫn Tân Ước đó là "Hãy nên thánh vì ta là thánh".Là những Cơ Đốc nhân với quan điểm Tân Ước, mục tiêu này là trở nên giống Chúa Giê-xu (Rô-ma 8:29).
Đức Chúa Trời là Đấng đã giúp Nê-hê-mi tái thiết một thành phố và phục hồi một dân tộc cũng đang làm cho Hội Thánh của Ngài ngày nay. Đôi khi chúng ta cảm thấy cuộc đời của chúng ta hoặc của người khác không có hy vọng phục hồi. Sách Nê-hê-mi nhắc nhở và khích lệ chúng ta rằng Đức Chúa Trời là Đấng đem lại sự phục hồi cho chúng ta.
Lạy Chúa, xin phục hồi con và giúp con luôn có nếp sống thánh thiện trước mặt Ngài.
(c) 2024 svtk.net