"Ai sẽ được lên núi Đức Giê-hô-va? Ai sẽ được đứng nổi trong nơi thánh của Ngài? Ấy là người có tay trong sạch và lòng thanh khiết, chẳng hướng linh hồn mình về sự hư không, cũng chẳng thề nguyện giả dối"(câu 3,4).
Câu hỏi suy ngẫm: Chúa là ai qua câu 1-2? Ngài tể trị tạo vật của Ngài thế nào? Điều kiện hướng về Chúa, tìm kiếm Chúa là gì? Lòng thanh khiết tay thanh sạch có nghĩa gì? Bạn có lòng thanh khiết, tay thanh sạch không? Bạn thể hiện điều đó thể nào trong nếp sống mỗi ngày?
Thi-thiên 24 là bài thơ vua Đa-vít sáng tác nhân dịp rước hòm giao ước vào nhà (II Sa-mu-ên 6), hoặc là vào dịp lễ kỷ niệm ngày nầy. Bài thơ gồm ba phần:
(1) Câu 1, 2: Mô tả quyền tể trị của Thiên Chúa.
(2) Câu 4-6: Nói về điều kiện để thờ lạy Chúa.
(3) Câu 7-10: Những lời hoan nghênh Chúa (Hòm giao ước tượng trưng cho sự hiện diện của Chúa).
Chúa cầm quyền trên muôn vật vì Ngài đã tạo dựng nên tất cả. Chúa chẳng những đã dựng nên. Ngài cũng "đặt vững"nghĩa là duy trì và bảo vệ.
Hai câu 3 và 4 nhắc chúng ta Thi-thiên 15 đã đọc trước đây, nói về tư cách của người thờ lạy Chúa. "Được lên núi Chúa"và "được đứng nổi trong nơi thánh của Ngài"nghĩa là được hội kiến, được tương giao với Chúa. Có lẽ hình ảnh ông U-xa bị hình phạt chết vì đưa tay giữ hòm giao ước vẫn còn hiển hiện trước mắt Đa-vít (II Sa-mu-ên 6:6,7) nên ông đã dùng thành ngữ "tay trong sạch"và "lòng thanh khiết". Tuy nhiên, đây cũng là lời mô tả những người có nếp sống đẹp lòng Chúa cả trong hành động ("tay") lẫn tư tưởng ("lòng"). Người có nếp sống như vậy chẳng những xứng đáng tôn thờ Chúa, nhưng cũng sẽ được phước của Chúa.
Các câu còn lại của Thi-thiên 24 là lời suy tôn Chúa, dành cho Chúa mọi vinh quang và danh dự vì Ngài là Đấng Tạo Hóa, vua của hoàn vũ.
Lạy Đấng Tạo Hóa, Chúa của con, xin cho con có lòng thanh khiết, tay thanh sạch để con sống mỗi ngày làm vui lòng Ngài.
(c) 2024 svtk.net