Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 24

Tình Thương của Bà Mẹ Chồng

Ru-tơ 1

"Lòng yêu thương phải cho thành thật" (Rô-ma 12:9a).

Câu hỏi suy ngẫm: Na-ô-mi là ai? Hoàn cảnh bà thế nào? Bà đối xử thế nào với hai nàng dâu? Điều gì nơi bà thu hút khiến Ru-tơ bỏ gia đình, quê hương về quê chồng? Đời sống bạn biểu lộ hình ảnh Đức Chúa Trời thương yêu như thế nào?

Câu chuyện trong sách Ru-tơ xảy ra vào thời các quan xét, khoảng 1300 - 1100 TC. Câu chuyện có nhiều dạy dỗ quý báu, trong dịp này, chúng ta chỉ suy gẫm tình thương bày tỏ qua những "nhân vật" chính trong câu chuyện. Nhân vật đầu tiên là bà "Na-ô-mi".

Bấy giờ có nạn đói lớn xảy ra trong xứ thánh, Ê-li-mê-léc, chồng bà Na-ô-mi đã quyết định rời quê hương là Bết-lê-hem để sang nước Mô-áp sinh sống, mong thoát cảnh đói kém. Nhưng ở xứ người chẳng được bao lâu thì Ê-li-mê-léc qua đời. Sau đó hai cậu con trai của ông bà cưới vợ. Hai nàng dâu là Ọt-ba và Ru-tơ là những thiếu nữ, người Mô-áp. Ngày vui qua mau, tai ương lại đến, lần này hai cậu con trai theo cha mà qua đời, bỏ lại một bà mẹ goá và hai nàng dâu cũng goá bụa.

Kinh Thánh không cho biết vì sao tai hoạ đến với gia đình này thê thảm như vậy. Chúng ta có thể nghĩ là họ vì đi sai ý Chúa nên gặt lấy sầu thảm. Dân Mô-áp là con cháu của Lót, như vậy họ có bà con với người Do Thái. Tuy nhiên, họ là dân thờ thần tượng ghê gớm (Dân-số Ký 25), cho nên con dân Chúa cần tránh xa để khỏi bị lây thói thờ thần tượng. Gia đình Ê-li-mê-léc đã bỏ xứ thánh sang cư ngụ tại Mô-áp, lại còn cho con cưới vợ người Mô-áp nữa. Thật là đùa với với lửa.

Trong cảnh cùng khốn, Na-ô-mi quyết định hồi hương. Hai nàng dâu đòi đi theo, nhưng bà khuyên họ trở về nhà cha mẹ ruột để lập lại cuộc đời vì đi theo bà, họ sẽ không có hy vọng tươi sáng cho tương lai. Ọt-ba nghe theo lời khuyên của bà, nhưng Ru-tơ thì nhất quyết đi theo.

Trong các diễn biến trên, một mặt chúng ta thấy bà Na-ô-mi có nhiều điểm đáng trách. Tại vạ xảy đến, thay vì nhận ra sự sai lầm của gia đình mình để ăn năn, thống hối, bà lại cay đắng, trách móc Chúa. Khi các nàng dâu đòi đi theo, thay vì tin cậy Chúa, hoan nghênh ho,ï để họ có cơ hội nuôi dưỡng niềm tin vào Chúa nhờ sống giữa vòng con dân Chúa người Do Thái, bà lại khuyến khích họ trở về nhà cha mẹ ruột trong xứ Mô-áp là xứ thờ thần tượng. Tuy nhiên, mặt khác, chúng ta thấy những gương tốt đẹp từ bà Na-ô-mi. Trong bà có tình thương chân thật đối với các con dâu. Thường bà gia và nàng dâu hiếm khi thương mến, thuận thảo, thông cảm nhau. Trong gia đình bà Na-ô-mi, các nàng dâu lại là những người khác chủng tộc, việc thông cảm càng khó hơn, thế mà họ thương mến nhau. Khi những người chồng qua đời rồi mà các nàng dâu vẫn còn quyến luyến bà gia, điều ấy là một minh chứng cho thấy bà Na-ô-mi phải là một bà gia tốt. Cách đối xử của bà xưa nay hẳn là đáng mến, đáng quý nên hai cô dâu không muốn lìa xa. Việc bà khuyên họ trở về nhà cha mẹ ruột, tuy là một lời khuyên thiếu đức tin, nhưng cũng là một lời khuyên đầy yêu thương, không vị kỷ. Bà biết mình đã già yếu, không thể để đem hy vọng cho tương lai hai cô dâu, bà chỉ là gánh nặng cho họ. Bà không muốn lợi dụng lòng tốt của họ, buộc họ chôn vùi cuộc đời son trẻ theo phụng dưỡng một bà già nghèo nàn, cô thế. Chúa phạt, và đau khổ bà chịu, chứ bà không muốn lụy đến con dâu. Bà nghĩ đến tương lai của hai cô, khuyên họ về nhà để hy vọng có được cơ hội tái giá, có chồng có con, có hạnh phúc, có an ninh; vì đi theo bà là đối diện với tương lai vô định. Hơn nữa lâu nay các nàng có thể đã tin Chúa theo gia đình chồng, giờ đây là cơ hội cho họ tự do chọn lựa: hoặc theo Chúa với một tương lai vô định, hay trở về thờ thần tượng với một viễn tượng có vẻ tươi sáng hơn. Dầu chọn lựa thế nào đi nữa, đây là sự chọn lựa tự nguyện của niềm tin thật, chứ không chọn lựa vì cảm tình hay vì ép uổng.

Trong lúc khốn khổ, niềm tin của bà Na-ô-mi có phần lệch lạc, nhưng trong bà vẫn còn một gương yêu thương chân thật đáng quý. Gương này đáng cho con dân Chúa ngày nay học hỏi. Đa số chúng ta ngày nay có thể hơn bà Na-ô-mi về lẽ đạo, nhưng chúng ta có thể thiếu tình thương chân thật. Để biết mình có tình thương chân thật hay không, hãy tự hỏi: 1. Những người sống gần tôi có vì cảm mến tôi mà mong muốn gần cộng đồng con dân Chúa chăng? 2. Khi hữu sự, tôi nghĩ đến phúc lợi của mình hay của người khác trước.

Lạy Chúa, xin giúp con biết thương yêu, nghĩ đến người khác như bà Na-ô-mi.

(c) 2024 svtk.net