"Mục đích của sự răn bảo, ấy là sự yêu thương, bởi lòng trong sạch, lương tâm tốt và đức tin thật mà sinh ra" (câu 5).
Câu hỏi suy ngẫm: Giữa Phao-lô và Ti-mô-thê có mối liên hệ nào? Mọi giáo huấn của Phao-lô nhằm mục tiêu nào? Luật pháp của Đức Chúa Trời có mục đích gì? Bạn có thương yêu những anh chị em trong Hội Thánh với tình thương Phao-lô dành cho Ti-mô-thê không? Hôm nay bạn bày tỏ tình thương đó thế nào?
Đây là thư đầu tiên trong hai thư Phao-lô gửi cho Ti-mô-thê, một thanh niên được ông đem về với Chúa và trang bị để làm người quản nhiệm phục vụ trong Hội Tháùnh. Ti-mô-thê đang phục vụ tại Ê-phê-sô, và Phao-lô viết từ La Mã, nơi ông ngồi tù vì đức tin. Ông gọi Ti-mô-thê là "con thật của ta" (c.2) và bảo đảm rằng lá thư nhằm mang lại ân sủng, nhân từ và bình an của Đức Chúa Trời cho Ti-mô-thê trong công tác.
Ngay từ đầu, Phao-lô nhắc nhở Ti-mô-thê vài điều quan trọng, đặc biệt là không dung dưỡng lời dạy sai lạc hoặc suy đoán dại dột giữa hội chúng (c.3, 4). Lời dạy như vậy có thể phá hoại Hội Thánh, như Phao-lô có viết cho Tít sau này (1:10, 11). Nhiệm vụ của mục sư là phải bảo đảm cho con dân Chúa do mình chăm sóc chỉ tiếp nhận giáo huấn chuẩn xác mà thôi. Giáo lý chuẩn xác nhằm phát triển đời sống yêu thương (c.5). Mục tiêu mọi giáo huấn của chúng ta phải là nhằm giúp cho mọi người nam nữ yêu Đức Chúa Trời cùng đồng loại nhiều hơn, vì đây là dấu hiệu môn đồ chân thật của Đấng Christ (Giăng 13:35).
Phao-lô cảnh cáo những kẻ khao khát dạy dỗ do địa vị cao trọng mà họ sẽ nhận được từ đó (c.6, 7). Chẳng phải ai cũng được kêu gọi dạy dỗ, và chúng ta phải thận trọng đừng để cho bất cứ ai cũng có được vai trò đó (Gia-cơ 3:1). Người dạy phải biết cách giải thích Lời Đức Chúa Trời và giúp người khác học hỏi để họ được lớn lên trong tình yêu thương. Luật pháp Đức Chúa Trời thật tốt đẹp, và có thể trang bị chúng ta cho những việc thiện (II Ti-mô-thê 3.15-17); nhưng cũng có thể phơi bày những hành động vô luật pháp của những kẻ từ chối đi theo tín lý chuẩn xác (c.9, 10). Người dạy tốt sẽ không tránh né việc để cho Lời Đức Chúa Trời hoàn thành mục đích này qua lời dạy của mình.
Mọi dạy dỗ của chúng ta phải quay về với Phúc Âm (c.11), vì chỉ khi Phúc Âm được rao giảng và người ta bắt đầu biết Đấng Christ là Chúa Cứu Thế thì họ mới có năng lực để tuân phục Đức Chúa Trời và tôn vinh Ngài trong đời sống họ. Ti-mô-thê, giống như Phao-lô, được giao phó một trách nhiệm thật trọng đại.
Lạy Chúa, xin dạy con yêu thương, và sai con ra đi bày tỏ tình yêu của Chúa Giê-xu cho những người chung quanh con hôm nay.
(c) 2024 svtk.net