"Hãy mặc lấy sự nhân từ" (câu 12).
Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao chúng ta phải sống nhân từ? Chúng ta có thể làm những việc gì để bày tỏ lòng nhân từ? Làm thế nào để phát huy lòng nhân từ?
Chúng ta phải sống nhân từ vì là bản chất của con cái Đức Chúa Trời. Trong chương 3 thư Cô-lô-se, sứ đồ Phao-lô dạy chúng ta một điều rất quan trọng về Phục Sinh. Phục Sinh không chỉ là một biến cố trong đời sống của Chúa Giê-xu. Nó không chỉ là một kinh nghiệm tương lai của người tin Chúa. Qua đức tin trong Chúa Giê-xu, bây giờ mỗi chúng ta được ban cho khả năng của một tạo vật mới, một bắt đầu mới, trong đó chúng ta lột bỏ bản chất cũ, phải từ bỏ những việc vô đạo và xấu xa thúc đẩy bởi bản chất xác thịt như tà dâm, ô uế, dâm dục, tham lam (c.5), thạnh nộ, buồn giận và hung ác, nói hành, nói tục, nói dối (c.8, 9) và mặc lấy bản chất của một con người được đổi mới trong ảnh tượng của Đức Chúa Trời để làm những việc thể hiện tình thương và lòng nhân từ của Đức Chúa Trời, qua sự khiêm nhường, mềm mại, nhịn nhục (c.12), nhường nhịn, tha thứ (c.13), và yêu thương (c.14).
Gương mẫu của lòng nhân từ người tin theo Chúa phải sống là gương của chính Chúa Giê-xu. Sứ đồ Phao-lô kêu gọi con dân Chúa "Hãy ở với nhau cách nhơn từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy" (Ê-phê-sô 4:32). Có hàng trăm việc nhỏ chúng ta có thể làm để bày tỏ lòng nhân từ, nhưng những việc này đều đòi hỏi thì giờ, sức lực, tiền bạc của chúng ta. Một điển hình của việc làm nhân từ như trong câu chuyện "Người Sa-ma-ri nhân lành" Chúa Giê-xu kể ghi trong Lu-ca 10. Trong câu chuyện này, người Sa-ma-ri đã làm ơn, cứu giúp, tiếp tục quan tâm theo dõi người bị rơi vào cảnh khó khăn, đau khổ.
Những việc chúng ta có thể làm để bày tỏ lòng nhân từ của Chúa trong chúng ta, trong Hội Thánh như "giúp đỡ người thiếu thốn" (Ê-phê-sô 4:28), "thăm viếng kẻ mồ côi, người góa bụa trong cơn khốn khó của họ" (Gia-cơ 1:27), "an ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối" (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:14), "mang gánh nặng cho nhau" (Ga-la-ti 6:2); "vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc" (Rô-ma 12:15)
Phải đối xử với người khác bằng lòng nhân từ chân thật vì Đức Chúa Trời đã đầy lòng nhân từ đối với chúng ta. Để phát huy lòng nhân từ, chúng ta cần luôn nhớ đến lòng nhân từ của Đức Chúa Trời đối với chúng ta. Chúng ta cần ăn năn bất cứ sự cư xử tàn nhẫn nào của mình đối với người khác trong quá khứ. Chúng ta cần đầu phục Chúa và nương cậy Thánh Linh để có thể sống nhân từ với người khác. Hãy nghĩ đến những người đang gặp khó khăn đặc biệt chúng ta có thể cư xử dịu dàng, hòa nhã với họ hơn; tử tế với họ hơn; độ lượng, bao dung với họ hơn.
Để phát huy lòng nhân từ, chúng ta cần để ý đến những người khốn khó chung quanh và tìm cách mang lại niềm vui cho đời sống của một vài người khác: Người tin Chúa, không tin Chúa, bạn hay thù. Một trong những điều Đức Chúa Trời đòi hỏi nơi chúng ta là sống nhân từ: "Hỡi người! Ngài đã tỏ cho ngươi điều gì là thiện; cái điều mà Đức Giê-hô-va đòi ngươi há chẳng phải là làm sự công-bình, ưa sự nhân từ và bước đi cách khiêm-nhường với Đức Chúa Trời ngươi sao?" (Mi-chê 6:8).
Xin Chúa giúp con sống một đời sống nhân từ theo gương của Chúa trong sự phục vụ, giúp đỡ những người khó khăn ở quanh con. Xin giúp con có thể sống bày tỏ tình thương và lòng thương xót của Ngài cho người khác.
(c) 2024 svtk.net