"Các ngươi hãy ghi ngày đó làm kỷ niệm; trải các đời hãy giữ làm một lễ cho Đức Giê-hô-va, tức là một lễ lập ra đời đời" (câu 14).
Câu hỏi suy ngẫm: Theo lời Chúa truyền dặn, Môi-se bảo dân Y-sơ-ra-ên chuẩn bị lễ Vượt Qua thế nào? Cách họ dự lễ Vượt Qua? Đối với bạn lễ Vượt Qua là ngày nào? Bạn có nhớ ngày đó không? Tại sao?
Hai thời điểm quyết định trong lịch sử cứu chuộc, đó là lễ Vượt Qua của Y-sơ-ra-ên tại Ai Cập và lễ Vượt Qua của toàn cầu tại Gô-gô-tha. Hai sự kiện này soi sáng và giải thích lẫn nhau.
Bây giờ Đức Chúa Trời chiếm hữu dân Ngài để dùng họ trong sứ mạng của Ngài cho các nước. Để đánh dấu kỷ nguyên mới, cuốn lịch đã được thay đổi hoàn toàn (c.2). Vì thế, sự xuất hiện của Đấng Christ cũng chia lại lịch sử thành: trước Chúa và sau Chúa. Tiếp theo là điểm tương đồng: một chiên con không tì vết (c.5) bị giết, máu của nó che chở cho dân Chúa (c.7, 13) còn thịt thì nuôi sống họ (c.8). Chiên con phải được ăn hối hả, ăn để tiếp tục ra đi (c.11). Toàn bộ sự kiện mở ra trong hành động công lý của Đức Chúa Trời, giống như trình tự Bữa Ăn Cuối - thập tự giá - sự sống lại, hàm ý rằng "vua chúa đời này đã bị lên án rồi" (Giăng 16:7-11). Trong lễ Vượt Qua có huyết bảo vệ (c.13) là "dấu cho các ngươi" nghĩa là dân chúng biết rằng phải có sự hi sinh của một tính mạng khác để gánh chịu hình phạt của họ; trong khi Ai Cập, tức chủ ngục xấc láo, không ăn năn, phải làm của lễ cho chính nó. Bữa ăn lễ Vượt Qua không chỉ là một lễ nghi cần phải tuân giữ, nhưng nó là kỷ niệm được lập thành một lễ để mỗi thế hệ mới của Y-sơ-ra-ên phải hiểu nghĩa vụ của tuyển dân của Đức Chúa Trời.
Thế nhưng Đức Chúa Trời truyền lịnh phải vui mừng! Hãy ăn mừng kỳ lễ (c.14). Khi một người thuộc về Chúa thì lòng phấn khởi trong niềm vui được thông công với Đức Chúa Trời ngay cả khi đang bước qua một bãi chiến trường, một bệnh viện tâm thần, hoặc một vùng bị cuồng phong tàn phá. Những vấn đề trên thế giới thật lớn lao và gây hoang mang, nhưng chúng ta không khởi đầu với phương thức giải quyết vấn đề. Khởi điểm của người tín hữu là "Hãy ăn mừng kỳ lễ." Sự ca ngợi bắt đầu với điều Đức Chúa Trời đã làm, và tập trung toàn bộ cuộc sống xuyên qua lăng kính đó. Nói theo từ của Phúc Âm, mọi tội lỗi, nhu cầu cùng thiếu thốn đều được nhìn trong ánh sáng của thập tự giá và sự phục sinh. Đáp ứng thực tế là vui mừng vô hạn và yêu thương với lòng biết ơn.
Lạy Chúa, con muốn đời sống mình bày tỏ "lòng ca ngợi biết ơn vô hạn" về mọi điều Ngài đã làm cho con. Cầu xin tình yêu cùng sự ca ngợi đó tuôn tràn từ con qua người khác hôm nay.
(c) 2024 svtk.net