"Hỡi các con cái bé mọn, hãy giữ mình về hình tượng!" (I Giăng 5:21)
Câu hỏi suy ngẫm: Hòm giao ước tượng trưng cho điều gì? Dân Y-sơ-ra-ên, người Phi-li-tin, thầy tế lễ Hê-li, và vợ của Phê-ni-a có thái độ nào đối với hòm giao ước? Tại sao? Có vật nào hoặc người nào đang chiếm vị trí của Đức Chúa Trời trong đời sống của bạn không?
Hòm giao ước là biểu tượng cho sự hiện diện của Đức Chúa Trời với dân Y-sơ-ra-ên của Ngài, và cần phải tôn nó là thánh. Nhưng tin cậy hòm giao ước hơn Đức Chúa Trời mà sự hiện diện của Ngài được nó tượng trưng, là sai trật xin lưu ý "hòm" được nhấn mạnh trong chương này (c.3-5, 6, 11, 13, 17-19 ,21, 22). Là Cơ Đốc nhân, chúng ta cũng phải thận trọng đừng nhấn mạnh thái quá vào thần học chính thống, sự thờ phượng sinh động, hoặc những kinh nghiệm và ân tứ đặc biệt của Thánh Linh Đức Chúa Trời ngay cả những điều tuyệt vời và cần thiết như thế cũng có thể trở thành hình tượng.
Mỗi người phản ứng với hòm giao ước bằng nhiều cách khác nhau. Đối với các trưởng lão của Y-sơ-ra-ên (c.3), đức tin của họ vào quyền năng của hòm giao ước hơi giống với phép mầu của thuyết duy linh. Đối với những người Phi-li-tin mê tín thì nó giống như một thần nghịch lại họ, nhưng họ vẫn cảm thấy rằng họ có thể chống trả lại nó một cách thành công. Rõ ràng họ không tin vào một Đức Chúa Trời toàn năng. Đối với một Hê-li tin kính Chúa, hòm giao ước là Thánh; quan trọng hơn cả các con trai của ông (c.13,18).
Điều thật có ý nghĩa là vợ của Phê-ni-a cũng quan tâm đến hòm giao ước hơn cả quan tâm đến chồng và ông gia của mình (c.19-21). So với sự đánh mất hòm giao ước, thì việc sinh một đứa con trai cũng dường như là thứ yếu. Mặc dù là vợ của một người chồng không tin kính, bà vẫn giữ những điều ưu tiên thuộc linh của mình. "Sự vinh hiển" của Đức Chúa Trời có nghĩa là sự vinh hiển và thánh khiết tuyệt đối của Đức Chúa Trời hiện diện ở giữa con dân của Ngài. Trong Hội Thánh của Đức Chúa Trời có nhiều người tin kính Chúa tranh chiến với những ông chồng và bà vợ không tin Chúa. Đối với những Cơ Đốc nhân đó, vợ của Phê-ni-a có thể là một gương mẫu đẹp đẽ. Đối với những Cơ Đốc nhân khác, câu chuyện này thách thức chúng ta nâng đỡ những người trong Hội Thánh đang sống hằng ngày với những nan đề như thế.
Lạy Chúa, xin cai trị lòng con. Xin giữ con không cho phép bất cứ "vật" gì hoặc "người" nào chiếm địa vị ưu việt trong lòng và đời sống của con ngoài Ngài.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Thi-thiên 109.
(c) 2024 svtk.net