"Vậy nên, hãy nói cùng nhà Y-sơ-ra-ên rằng: Chúa Giê-hô-va phán như vầy: Hãy trở lại, xây bỏ thần tượng các ngươi, xây mặt khỏi sự gớm ghiếc của các ngươi" (câu 6).
Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao Chúa không trả lời sự cầu vấn của các trưởng lão Y-sơ-ra-ên? Chúa cho họ biết những án phạt nào? Chúa cũng cho họ hy vọng nào? Điều gì ngăn cách bạn với Đức Chúa Trời? Làm sao nối lại mối tương quan với Ngài?
Tạ ơn Đức Chúa Trời vì sự công nghĩa của Đấng Christ. Ta thấy rõ ràng rằng Đức Chúa Trời không còn ở cùng các vị trưởng lão này nữa (câu 3). Thế là giữa họ và Đức Chúa Trời có một hàng rào ngăn cách. Đức Chúa Trời không còn nghe lời cầu vấn của họ, vì họ đã đi cầu vấn thần tượng (câu 1). Ngài chỉ đáp lại họ bằng một câu cảnh cáo (câu 4) và một lời răn đe (câu 8).
Các lãnh đạo Hội Thánh cũng như toàn Y-sơ-ra-ên đều có lòng xa lánh Đức Chúa Trời (câu 5). Dân của Đức Chúa Trời đã xây bỏ Ngài. Bây giờ, làm sao khiến họ quay lại, hướng lòng về Chúa? Trong câu trả lời của Tiên tri Ê-xê-chi-ên với các trưởng lão (câu 6-11) chúng ta thấy có sự kêu gọi dân chúngï phải ăn năn, đồng thời cho biết trước những tai họa sẽ giáng trên dân chúngï và các tiên tri giả hình của họ (câu 7-10). Những lời hứa trong câu 11 dựa vào cơ sở nào?
Các câu 12-20 cho ta thấy rằng chẳng có ai - dù công chính đến đâu - có thể cứu được người khác thoát khỏi hậu quả của tội lỗi. Trong trường hợp của Giê-ru-sa-lem (câu 21-23), sự đoán phạt của Đức Chúa Trời sẽ bao trùm khắp nơi. "Các con trai con gái" nói trong câu 12-20 và 22 đều là những người xấu xa (20:43, 44). Những kẻ sống sót trong số này sẽ tự yên ủi mình về các công việc công bằng của Đức Chúa Trời (câu 22).
Trở lại những vấn đề đặt ra từ câu 5: Chẳng có hy vọng nào nơi Giê-ru-sa-lem; tương lai của Y-sơ-ra-ên chỉ trông cậy vào các kẻ lưu đày mà thôi. Chỉ sau khi nếm trải cảnh lưu đày thì dân Đức Chúa Trời mới được hồi sinh để sống một đời sống mới! Tạ ơn Đức Chúa Trời vì Ngài đã sắm sẵn một Đấng Công Nghĩa đủ quyền năng để cứu rỗiû mọi người: Đấng Christ. Chỉ trong Đấng Christ, chúng ta mới có được sự sống đời đời sau khi chết.
Nhờ tình yêu thương bao la của Đức Chúa Trời đối với chúng ta, nhờ lòng thương xót sâu đậm của Ngài mà chúng ta được sống với Đấng Christ trong khi lẽ ra chúng ta phải chết mất trong tội lỗi mình (xem Ê-phê-sô 2:4, 5). Tự hỏi xem mình đã hiểu thấu tình yêu cứu chuộc này chưa? Làm thế nào để đời sống, lời nói, hành vi của mình bày tỏ được sự ngợi khen, yêu mến, và trân trọng đối với tất cả món quà vô giá Đức Chúa Trời ban cho mình?
Tạ ơn Đức Chúa Trời đã cứu linh hồn con. Tạ ơn Ngài đã ban cho con một đời sống phong phú, sung mãn, và hạnh phúc.
(c) 2024 svtk.net