"Lạy Chúa, xin kéo chúng tôi về với Ngài, hầu chúng tôi quay về; Xin làm mới lại những ngày chúng tôi như xưa" (câu 21 BDM).
Câu hỏi suy ngẫm: Chúng ta nhận biết sự công bình của Đức Chúa Trời cách nào? Tiên tri Giê-rê-mi cầu nguyện cho điều gì? Ta học được điều gì về sự cầu nguyện? Tại sao phải cầu nguyện khi phạm tội? Ta trông mong gì nơi Đức Chúa Trời?
Chúng ta hãy bền lòng, mở lòng ra đón nhận ý Chúa. Như thế sự phiền lòng sẽ trở thành mừng vui, và nghịch cảnh sẽ giúp ta thành tâm cầu nguyện. Đề tài được thay đổi ở câu 19. Dân của Đức Chúa Trời bị hạ nhục (câu 4, 5) và đời sống hằng ngày thì triền miên nguy hiểm. Đàn bà bị cưỡng hiếp (câu 11), người trai trẻ thì phải lao động nhọc nhằn (câu 13). Thế nhưng cầu nguyện trong chân thành thật thà thì có kết quả (câu 16). Sự sụp đổ tang thương của Si-ôn chẳng phải là cơn giận vô trách nhiệm của một ác thần mà do ý chỉ thánh của Đức Chúa Trời. Đó là hậu quả của sự cố ý đi theo thần tượng ngoại bang. Cả cộng đồng dân Chúa phải gánh lấy hậu quả. Cũng vậy, thập tự là biện pháp cần thiết của Đức Chúa Trời để chống lại tội lỗi, và Chúa Giê-xu vác thay cho kẻ có tội.
Tác giả Ca-thương sau một thời gian than vãn và suy nghiệm, đã đi đến kết luận sáng suốt là Đức Giê-hô-va còn đời đời (câu 19). Tác giả cũng nêu câu hỏi tại sao Chúa lìa bỏ dân mình lâu vậy (c.20); rồi cầu nguyện xin Chúa giúp mình quay trở lại cùng Chúa (câu 21). Lời cầu nguyện này cho thấy sự khác nhau giữa dân Chúa và dân ngoại khi phải sống trong khó khăn. Dân Chúa có được hy vọng còn dân ngoại thì không. Hy vọng của ta được đặt trên một cơ sở vững chắc, sự cứu chuộc sẽ đến, và chúng ta có quyền trông mong "trời mới và đất mới" (II Phi-e-rơ 3:13).
Nhưng câu 22 đưa ra một câu hỏi thật buồn. Để giải đáp câu hỏi này ta xem Rô-ma 11:1-12. Gia đình rộng lớn của Đức Chúa Trời bao gồm tín hữu Do Thái, "dân sót" còn lại nhờ ân sủng. Và có một lời hứa rằng sẽ còn nhiều người nữa. Và lời hứa này mà ta cần cầu nguyện thêm.
Lạy Chúa, con tạ ơn Ngài đã ban cho con thêm ơn mới mỗi ngày.
(c) 2024 svtk.net