"Vậy thì, anh em hãy tiếp lấy nhau, cũng như Đấng Christ đã tiếp anh em, để Đức Chúa Trời được vinh hiển" (15:7).
Câu hỏi suy ngẫm: Hội Thánh tại Rô-ma có những xung đột nào? Lý do đưa đến xung đột là gì? Phao-lô nêu lý do nào để con dân Chúa chấp nhận nhau? Trong gia đình bạn, giữa vợ chồng, cha mẹ con cái, anh chị em thường có xung đột nào? Tại sao? Chấp nhận được nhau dễ hay khó? Làm sao để thực hiện?
Trong phân đoạn này, Sứ đồ Phao-lô dạy con dân Chúa phải chấp nhận nhau như Đấng Christ đã chấp nhận mình.
Vị Sứ đồ biết rằng trong Hội Thánh tại La Mã có một số tín hữu xung đột nhau. Lý do thông thường là vì họ bất đồng nhau về việc giữ các lễ nghi Do Thái. Theo Thánh Phao-lô thì nguyên nhân quan trọng hơn là vì mức độ trưởng thành khác biệt nhau. Cơ Đốc nhân không có quyền khước từ người nào mà đã được Đức Chúa Trời chấp nhận.
Phao-lô thừa nhận rằng trong bất cứ nhóm tín hữu nào, trong gia đình như trong Hội Thánh, đều có kẻ mạnh người yếu khác nhau. Chúng ta không được xét đoán nhau mà phải chấp nhận nhau, phải tinh tế mà nhận ra những tư tưởng cũng như nhu cầu khác nhau giữa mình với người khác. Mỗi người suy nghĩ một cách, vì vậy đừng ngạc nhiên khó chịu khi thấy có người trong gia đình suy nghĩ khác mình.
Chúng ta hãy nhìn cao hơn một bậc: Đấng Christ đã chấp nhận ta, vậy ta phải chấp nhận người khác. Trong Rô-ma chương 5, Phao-lô đã nói về việc Chúa Giê-xu chấp nhận chúng ta một cách vô điều kiện: "Trong khi chúng ta còn là người có tội thì Đấng Christ bằng lòng chết thế cho chúng ta." Ngài chấp nhận và chết vì chúng ta trước khi chúng ta quay về với Ngài. Vậy chúng ta phải theo gương ấy mà chấp nhận nhau.
Phao-lô cũng nói thêm rằng chấp nhận nhau không phải chỉ để thiết lập mối liên hệ lẫn nhau mà còn có mục đích giúp người kia thêm khắng khít với Chúa. Như thế là ta đã tôn vinh Chúa cách thiết thực.
Theo Phao-lô muốn giữ vững mối liên hệ lẫn nhau yếu tố chính là lòng yêu thương và tự nguyện phục vụ nhau. Phao-lô không bao giờ bảo ta phải tỏ ra nghiêm khắc và vị kỷ, mà phải tỏ ra hiểu biết, yêu thương, chấp nhận mọi người trong gia đình.
Chấp nhận nhau là kính trọng, yêu thương nhau. Chấp nhận nhau không phải là che đậy tội lỗi của nhau mà là thương yêu nhau mặc dù người kia có tội, như Chúa yêu ta, ta cũng yêu họ như vậy. Thánh Kinh giúp ta khám phá phương cách chấp nhận nhau trong gia đình, dù cho người kia có làm sứt mẻ mối quan hệ gia đình.
Dựa trên căn bản nào để tôi có thể chấp nhận người khác, ngay cả những người hoàn toàn khác cá tính, quan điểm, cách sống...?
Lạy Chúa, Ngài yêu thương chấp nhận con khi con còn là người tội lỗi, Ngài chết và cứu con. Xin điều này giúp con luôn biết chấp nhận người khác dù họ thế nào.
(c) 2024 svtk.net