Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 5

Tha Thứ từ Quan Điểm của Đấng Christ

Giăng 8:1-11

"Ta cũng không định tội người; hãy đi, đừng phạm tội nữa" (câu 11).

Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao người Pha-ri-si đưa người đàn bà phạm tội tà dâm đến với Chúa Giê-xu? Chúa bảo họ làm gì? Họ đã làm gì? Tại sao? Không định tội người đàn bà Chúa có thỏa hiệp, chấp nhận tội lỗi không? Chúa dạy chúng ta điều gì trong hành động của Chúa?

Câu chuyện quen thuộc mà chúng ta học hôm nay sẽ giúp chúng ta thực hành sự tha thứ cho người phạm lỗi theo quan điểm của Đấng Christ, thay vì theo tiêu chuẩn của con người.

Theo lệ thường Đức Chúa Giê-xu đi riêng ra để cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời. Khi Ngài trở lại đền thờ để dạy dỗ thì các nhà lãnh đạo tôn giáo đưa ra cho Ngài một trường hợp phạm tội để Ngài giải quyết hầu để gài bẫy Ngài. Họ đem đến một người đàn bà bị bắt quả tang về tội tà dâm để Ngài phán quyết cách xử tội. Chiếu theo luật pháp của Môi se thì những người phạm tội tà dâm sẽ bị xử tử bằng cách ném đá, như đã chép trong Phục-truyền Luật-lệ Ký 22 :22-24, nhưng chúng ta không thấy họ đem đến cho Ngài người đàn ông phạm tội mà chỉ người đàn bà thôi. Nếu Chúa Giê-xu xét xử theo luật pháp thì họ sẽ cáo buộc rằng ân sủng của Đức Chúa Trời mà Đức Chúa Giê-xu hằng rao giảng ở đâu? Nhưng nếu tha thứ theo ân sủng thì họ sẽ buộc tội Chúa Giê-xu phá bỏ luật pháp Môi-se. Hãy xem cách Chúa Giê-xu hành xử để học những nguyên tắc trong sự tha thứ:

1) Tự xét mình trước, chúng ta sẽ tha thứ cho người khác được: Chúa Giê-xu đã không trả lời những nhà lãnh đạo tôn giáo ngay lập tức, Ngài đã yên lặng, lấy ngón tay viết trên đất (câu 6) Thánh Kinh không cho chúng ta biết Ngài đã viết những gì. Có thể Ngài viết Điều răn Thứ Bảy, "Ngươi chớ phạm tội tà dâm" (Xuất Ê-díp-tô 20:14) mà ngón tay Đức Chúa Trời đã viết trên hai bảng chứng bằng đá trong Xuất Ê-díp-tô 31:18 chăng? Chúng ta không biết rõ, nhưng sự yên lặng của Chúa khiến họ tiếp tục hỏi Ngài. Bấy giờ, Chúa Giê-xu ngước lên và hỏi ngược lại, "Ai trong các ngươi là người vô tội, hãy trước nhất ném đá vào người" (câu 7). Lời Ngài đã cáo trách các nhà lãnh đạo tôn giáo. Thay vì đang đóng vai trò của công tố viên thì giờ đây, trước Chúa Giê-xu, họ trở thành những bị cáo. Vì thế họ lần lượt bỏ đi, người có tuổi đi trước. Đây là nguyên tắc cho chúng ta áp dụng trong cuộc sống hằng ngày, lắm khi chúng ta lên án người khác và không sẵn sàng tha thứ vì chúng ta không thấy rõ chính mình cũng đầy dẫy tội lỗi, xấu xa, thất bại, lắm khi còn hơn nữa. Nhưng khi xét lòng và thấy rõ chính mình, chúng ta thấy mình cũng cần sự tha thứ từ nơi Chúa và từ đó, sẽ thông cảm, dễ dãi hơn đối với người khác. Hãy để Chúa Thánh Linh giúp chúng ta xét lòng và làm ngay thẳng tâm linh ta. Từ đó, Chúa sẽ giúp chúng ta mở lòng tha thứ người khác.

2) Tha thứ được khi nhìn theo quan điểm của Đấng Christ. Sau khi những nhà lãnh đạo tôn giáo rời khỏi đó, Chúa Giê-xu hỏi người đàn bà đang đứng đó, "Này chị, họ đi đâu hết cả? Không ai lên án chị sao?" (câu 10 TKHĐ). Sau khi người đàn bà trả lời là không còn ai, thì Chúa Giê-xu tuyên bố, "Ta cũng không định tội người; hãy đi, đừng phạm tội nữa" (câu 11). Chúa Giê-xu đủ tư cách và thẩm quyền để định tội người đàn bà này, nhưng Ngài tha thứ vì cái nhìn của Ngài từ điểm phạm tội hướng đến phía trước, tiến đến tương lai. Điều này trái ngược với cái nhìn của con người. Chúng ta thường nhìn từ điểm phạm tội trở về quá khứ. Do đó, thật khó để tha thứ vì nhìn thấy lắm lỗi lầm. Tạ ơn Đức Chúa Trời, Ngài đã nhìn vượt khỏi vi phạm của chúng ta, nhìn thấy được tấm lòng ăn năn và cuộc đời đổi mới khi chúng ta nhận được sự tha thứ dồi dào từ Chúa. Một khi chúng ta kinh nghiệm được sự tha thứ dư dật của Đức Chúa Trời trên cuộïc đời mình, chúng ta sẽ tha thứ người khác bằng chính tình yêu thương mà chúng ta đã nhận được từ nơi Ngài. Hãy nhìn theo quan điểm của Đấng Christ hôm nay để có thể tha thứ cho người khác.

Tôi có thường xét mình trước khi phán đoán người khác không?

Lạy Chúa, xin cho con biết xét mình trong ánh sáng của Chúa, và có cái nhìn của Chúa với những lỗi phạm của anh chị em con.

(c) 2024 svtk.net