"Giu-đe và Si-la... lấy nhiều lời giảng mà khuyên bảo, và giục lòng anh em mạnh mẽ. Khỏi ít lâu, anh em chúc các người đó bình an mà cho về cùng những người đã sai đến" (câu 32-33).
Câu hỏi suy ngẫm: Tác giả Thi-thiên cảm tạ Chúa về điều gì? Bạn có cùng tinh thần như tác giả không? Giu-đe và Si-la đến An-ti-ốt làm gì? Các tín hữu An-ti-ốt đối với họ thế nào? Bạn có khích lệ, nâng đỡ, cám ơn những người trong gia đình, trong Hội Thánh bạn không? Làm thế nào?
Trong Thi-thiên 139:13-14, vua Đa-vít ca ngợi Đức Chúa Trời đã dựng nên ông. Người Hê-bơ-rơ thường coi sự hình thành một thai nhi trong bụng mẹ là một huyền bí lớn lao. Trong đoạn này, Đa-vít tán tụng Đức Chúa Trời đã tể trị suốt cả tiến trình thai nghén ấy. Dù cho tội lỗi ảnh hưởng xấu đến đời sống chúng ta, Đức Chúa Trời vẫn tạo dựng chúng ta một cách vô cùng phức tạp, theo một mẫu mực vô cùng kỳ diệu. Ta biết ơn và cảm tạ Chúa tạo dựng ta thì cũng biết ơn và cảm tạ Chúa tạo dựng những người kế cận ta.
Xin nhớ cho rằng một người dù tốt hay xấu đến đâu thì cũng do Đức Chúa Trời tạo dựng nên. Chúng ta không được ca tụng con người giống như cách chúng ta ca tụng Chúa. Chúng ta có thể xây dựng người khác về mặt đức độ bằng cách ca ngợi các việc họ đã làm và khả năng họ có được do Chúa ban cho. Vì con người là do Đức Chúa Trời tạo dựng nên khi ta khuyến khích họ bằng cách khen ngợi và biết ơn họ tức là chúng ta tôn vinh Đức Chúa Trời vậy.
Chúa đặt để chúng ta trong một gia đình, hay Hội Thánh để chúng ta yêu thương, tha thứ, chấp nhận và biết ơn nhau, vì con người không thể sống riêng rẽ, cô độc một mình. Vì vậy từ tinh thần của Đa-vít, qua phân đoạn trong sách Công-vụ các Sứ-đồ này chúng ta thấy cách các tiên tri xưa giảng một sứ điệp có tính cách khích lệ như thế nào. Một số Cơ Đốc nhân Do Thái có khuynh hướng chủ luật đến An-ti-ốt và phê bình các Cơ Đốc nhân không phải người Do Thái ở đó vì họ không cắt bì và không giữ trọn các luật lệ Do Thái. Nhưng Phao-lô và Ba-na-ba bất đồng với các nhà chủ luật bảo rằng người An-ti-ốt chẳng cần gì phải giữ đúng luật Do Thái. Cơ Đốc nhân tại An-ti-ốt đâm ra rối trí, không biết xử trí làm sao.
Phao-lô và Ba-na-ba đem sự việc này trình lên các nhà lãnh đạo Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem. Các nhà lãnh đạo này dạy rằng Cơ Đốc nhân không buộc phải tuân thủ mọi luật lệ Do Thái. Nhưng họ phải tuân theo vài điều hướng dẫn cao hơn luật Do Thái như nguyên tắc cấm thờ hình tượng, cấm ăn huyết cũng như ăn của cúng hình tượng, và chớ tà dâm. Sau đó, các nhà lãnh đạo tại An-ti-ốt, cho họ biết rằng họ chẳng cần cắt bì nhưng phải theo các hướng dẫn được truyền đến họ (Công-vụ các Sứ-đồ 15: 29).
Các lãnh đạo Hội Thánh cho Giu-đe và Si-la cùng đi với Phao-lô và Ba-na-ba có nhiệm vụ chuyển bức thư của Hội Thánh. Nên nhớ rằng Giu-đe và Si-la là tiên tri; trong thời Tân Ước, nhiệm vụ chính của tiên tri là xây dựng và khích lệ tín hữu. Với Giu-đe và Si-la, việc chuyển thư và xác nhận tư cách tín hữu của anh em tại An-ti-ốt là sứ mạng quan trọng của mình. Đức Chúa Trời vẫn luôn xem trọng công việc gây dựng con người và Ngài hằng ban cho con cái Ngài những ân tứ đặc biệt để làm công việc này.
Đức Chúa Trời lấy làm đẹp lòng khi ta bày tỏ lòng biết ơn và cảm tạ đối với các thành viên trong gia đình, trong Hội Thánh. Chúng ta có xem công việc của các thành viên khác trong gia đình, trong Hội Thánh là bổn phận bình thường họ phải làm, không việc gì phải cảm ơn? Không nên thế, phải có lời cảm ơn họ. Lời cảm ơn khiến không khí gia đình vui tươi lên. Lời cảm ơn xua đuổi hết những tư tưởng tiêu cực, đem lại sự nồng ấm cho mọi người trong gia đình. Thế nhưng ít ai biết nói lên lời cảm ơn!
Tinh thần biết ơn bắt nguồn từ lòng biết ơn Chúa. Khi chúng ta tập thái độ biết ơn Chúa đồng thời chúng ta cũng phát triển tinh thần biết ơn với mọi người trong gia đình, trong Hội Thánh.
Mỗi ngày tôi có bày tỏ được lòng biết ơn Chúa qua mối liên hệ tôi có với người khác không?
Lạy Chúa, trong gia đình con thường ít cám ơn những người nhỏ hơn con, xin giúp con tập làm việc này bắt đầu hôm nay.
(c) 2024 svtk.net