"Vì trong cùng một Thánh Linh mà chúng ta chịu phép báp-tem để sát nhập vào một thân thể" (câu 13).
Câu hỏi suy ngẫm: Theo Phao-lô, dù con dân Chúa khác chủng tộc, giai cấp nhưng lý do nào khiến họ phải hiệp một? Tuy khả năng, ân tứ khác nhau, nhưng trước mặt Chúa giá trị của mỗi người thế nào? Những người "mạnh" có trách nhiệm thế nào với những người yếu hơn? Bạn áp dụng bài học này thế nào trong việc góp phần gây dựng Hội Thánh?
Trong phân đoạn này, Sứ đồ Phao-lô bàn về sự hiệp nhất của Hội Thánh và sự đa dạng của tín hữu. Hội Thánh tại Cô-rinh-tô và Hy Lạp gặp nhiều rắc rối vì nạn giáo sư giả và tội lỗi. Tuy nhiên, nguyên nhân chính đưa đến tình trạng trên là nạn chia rẽ. Các thành viên của Hội Thánh bất đồng với nhau về nhiều việc đến nỗi cái xấu phát triển, còn cái tốt thì tàn lụi dần.
Chẳng hạn, tín hữu Cô-rinh-tô không dùng ân tứ Chúa ban để giúp đỡ nhau mà cạnh tranh nhau. Điều này chứng tỏ rằng tín hữu không hiểu được bản chất và mục đích của ân tứ. Trong I Cô-rinh-tô 12-14, Sứ đồ Phao-lô chỉnh lại quan điểm sai lạc này.
Cũng giống như trong Rô-ma 12, Phao-lô bảo phải xem Hội Thánh như thân thể của Chúa. Một thân thể vật lý là một toàn bộ thống nhất dù có nhiều cơ phận khác nhau. Cũng vậy, Hội Thánh (thân thể của Đấng Christ) là một toàn bộ thống nhất gồm nhiều người. Đức Thánh Linh họp các Cơ Đốc nhân lại thành một thân thể toàn vẹn. Thân thể ấy gồm nhiều chủng tộc khác nhau (Do Thái, Ngoại Bang), và nhiều giai tầng xã hội (tự chủ, nô lệ) nhưng là một thân thể toàn vẹn.
Vì rằng sự đa dạng là cần thiết cho sự thống nhất nên chúng ta thường nghĩ một cách sai lầm rằng có người quan trọng, có người tầm thường. Không có bộ phận nào không cần đến bộ phận khác. Có những bộ phận có nhiệm vụ che chở các bộ phận khác mong manh hơn, trong cơ thể con người cũng như trong Hội Thánh.
Như vậy sự đa dạng trong cơ thể và trong Hội Thánh là điều cần thiết. Nó giúp cho các cơ phận hòa hiệp nhau cách có hiệu quả, sự hiệp đoàn còn đem lại sức mạnh. Có hiệp đoàn thì sự hoạt động của các cơ phận khác nhau tăng thêm hiệu quả gấp bội.
Hãy tưởng tượng nếu Sứ đồ Phao-lô tuyên bố "Tôi mệt quá rồi, không muốn đi truyền bá Phúc Âm nữa, tôi không thể đi đây đó nữa, tôi phải nghỉ trong thời gian còn lại..." Lúc ấy Hội Thánh sẽ ra sao?
Tiếc thay, trong Hội Thánh ngày nay có những người suy nghĩ như vậy. Nhiều Cơ Đốc nhân không sốt sắng góp phần xây dựng Hội Thánh vì ngã lòng, vì thiếu thì giờ, hoặc vì một lý do nào đó. Nhưng Kinh Thánh luôn nhắc nhở ta phải cùng làm việc với nhau, sử dụng mọi ân tứ Chúa ban để chung sức vào một công việc quan trọng nhất: xây dựng Hội Thánh Chúa.
Chúa cho tôi khả năng:........ để làm gì? Tôi dùng khả năng đó cho việc gây dựng Hội Thánh Chúa thế nào?
Lạy Chúa, xin mở mắt, mở lòng con để con biết điều nào con cần góp phần vào nhà Chúa.
Đọc Kinh Thánh trong hai năm: II Sử-ký 34; Thi-thiên 119:129-144.
(c) 2024 svtk.net