"Chúng ta tin rằng nhờ ơn Đức Chúa Giê-xu, chúng ta được cứu cũng như người ngoại vậy" (câu 11).
Câu hỏi suy ngẫm: Phao-lô và Ba-na-ba gặp xung đột nào? Các sứ đồ giải quyết những xung đột này thế nào? Khi có xung đột, bạn và Hội Thánh giải quyết thế nào? Tại sao chia rẽ là thất bại?
Phân đoạn Kinh Thánh này ghi lại một buổi họp của các lãnh đạo Hội Thánh đầu tiên tại Giê-ru-sa-lem.
Trong mười năm đầu tiên, giáo hội gồm toàn người Do Thái. Dần dần mỗi ngày những người ngoài Do Thái cải đạo qua Do Thái giáo. Những người này phải theo tục cắt bì và tuân theo luật lệ Môi-se. Dần dà, dưới sự thôi thúc của Đức Thánh Linh, các Cơ Đốc nhân đi ra chia sẻ Phúc Âm với những người không có liên hệ gì đến Do Thái giáo. Số người ngoại bang tin Chúa là một trong các bất mãn và xung đột bắt đầu xảy ra.
Cuộc tranh chấp bùng nổ khi các Cơ Đốc nhân gốc Do Thái từ xứ Giu-đê qua xứ An-ti-ốt buộc các tín hữu không phải gốc Do Thái phải cắt bì và tuân thủ mọi luật lệ Môi-se. Nghĩa là họ buộc rằng ai muốn trở thành Cơ Đốc nhân thì trước hết phải trở thành người Do Thái. Sứ đồ Phao-lô và Ba-na-ba chống lại ý kiến này. Thế là Hội Thánh chia rẽ làm hai phe, các nhà lãnh đạo tại Giê-ru-sa-lem phải nhọc công giải quyết.
Phe Do Thái bảo thủ trong Hội Thánh nằng nặc đòi tín hữu ngoại bang phải tôn trọng lễ cắt bì và giữ luật lệ Môi-se. Sứ đồ Phi-e-rơ nhắc nhở mọi người rằng Đức Chúa Trời đã giao phó cho ông đem Phúc Âm đến cho người không phải là Do Thái. Đức Chúa Trời cũng ban Đức Thánh Linh trên những người không phải là Do Thái tuy họ không theo luật Môi-se.
Sau khi Phao-lô và Ba-na-ba thuật lại kinh nghiệm của mình thì Gia-cơ (em của Chúa Giê-xu, lãnh đạo Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem) loan báo quyết định của ông. Vì Đức Chúa Trời luôn luôn muốn những người không phải là Do Thái tìm kiếm Chúa nên ông tạo mọi cơ hội để họ tin Chúa, ông không đòi hỏi họ phải cắt bì. Ông chỉ đòi hỏi họ phải bỏ vài tục lệ cũ của họ để cho người Do Thái Cơ Đốc tiếp cận với họ dễ hơn (Công-vụ các Sứ-đồ 15:20).
Kỳ hội đồng tại Giê-ru-sa-lem là một mẫu mực để giải quyết các tranh chấp trong Hội Thánh. Thay vì xầm xì nói xấu nhau sau lưng, phá bỉnh nhau, các Cơ Đốc nhân đầu tiên ấy thẳng thắn bày tỏ mọi điều, tương kính nhau, tự đặt mình dưới sự kiểm soát của Đức Chúa Trời để giải quyết mọi tranh chấp của Hội Thánh. Đó cũng là cách thức mà chúng ta cần phải áp dụng cho Hội Thánh ngày nay. Chúng ta, ai cũng biết rằng Hội Thánh chia rẽ sẽ thất bại.
Tôi có sẵn sàng giải quyết tự ái, xung đột để đem lại những lợi ích chung cho công việc Chúa không?
Lạy Chúa, xin giúp con yêu Chúa, yêu anh chị em trong Hội Thánh đủ để sẵn sàng bỏ tự ái, xung đột vì Danh Ngài.
(c) 2024 svtk.net