Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 8

Kiêu Ngạo

Giăng 13:1-17

"õSự kiêu ngạo chỉ sinh điều cãi lộn,

Còn sự khôn ngoan ở với người chịu lời khuyên dạy" (Châm-ngôn 13:10).

Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao trong "Bữa Tiệc Ly" không ai trong các môn đệ đứng ra rửa chân cho người khác? Chúa Giê-xu đã nêu tấm gương nào để dạy các môn đệ? Việc làm của Chúa dễ học, dễ thực hành hay khó? Bạn sẵn sàng làm những việc "dơ bẩn" như chùi cầu, dọn rác, quét nhà thờ... để giúp người khác, phục vụ trong Hội Thánh?

Lời Chúa thường cảnh giác chúng ta về tính kiêu ngạo. Kiêu ngạo không những đem đến sụp đổ cá nhân mà còn là nguyên nhân gây nên chia rẽ. Tiếng Việt chúng ta có nhiều chữ để diễn tả các hình thức của sự kiêu ngạo: kiêu căng, hách dịch, hống hách, ngạo mạn, tự phụ, tự cao, tự đại, tự tôn, cao ngạo, khoe khoang, kiêu kỳ, kiêu hãnh, vv... Người kiêu ngạo cho mình là khôn ngoan, tài giỏi, đức độ, cao trọng hơn người. Người ấy hay khoe về chính mình, và chê bai, khinh bỉ người khác. Người kiêu ngạo sẽ không chịu nghe những lời góp ý, những phê bình xây dựng. Người ấy cũng không chịu hòa đồng, hay hạ mình phục vụ người khác. Một cộng đồng mà có nhiều người kiêu ngạo chắc chắn sẽ có giận hờn, cãi vã, bất mãn, tranh chấp, bất hợp tác, chia rẽ, cuối cùng là tan rã.

Câu chuyện chúng ta đọc trong sách Giăng hôm nay xảy ra vào những giờ phút cuối cùng trước khi Chúa chịu nạn. Trong khi ấy Giu-đa toan tính phản Chúa, và các vị sứ đồ khác thì tranh cãi với nhau để xem ai lớn hơn ai trong nước Chúa. Các vị ấy nghĩ đến địa vị cao trọng: ngồi bên hữu bên tả của Chúa trong nước Ngài. Không ai nghĩ đến việc rửa chân cho khách, không muốn làm đầy tớ anh em, bạn hữu của mình vì đây là công việc của những người đầy tớ. Chính lúc ấy, Chúa Giê-xu đích thân đi lấy nước rồi vấn khăn ngang lưng mà đi rửa chân cho từng vị sứ đồ một. Chúa đã làm gương cho các sứ đồ để họ biết đối xử với nhau trong tinh thần khiêm nhường thay vì kiêu ngạo. Ngài là thầy, là Chúa, là Vua, là Đấng Tạo Hóa, nhưng Ngài đã hạ mình làm người, thậm chí làm một người đầy tớ sẵn sàng rửa chân cho các môn đồ. Tinh thần khiêm nhường phục vụ là tinh thần của những người cao trọng thật trong nước Chúa. Tinh thần ấy đem đến hoà thuận hiệp một. Trong khi kiêu ngạo chỉ đem đến bất hòa, cãi lẫy, như các vị sứ đồ của Chúa đã từng kinh nghiệm.

Bạn là người khiêm nhường hay kiêu ngạo? Bạn có hay khoe khoang tài năng, đức độ, thành công của mình không? Bạn có hay chê bai người khác không? Bạn có tự cho mình là người khôn ngoan và không bao giờ lắng nghe lời góp ý xây dựng chăng?

Tôi có sẵn sàng hòa mình với những người yếu kém, sẵn sàng phục vụ người khác không?

Lạy Chúa, xin cho con khiêm nhường để có thể hòa thuận, hiệp tác với người khác được.

(c) 2024 svtk.net