"õVậy thì, anh em hãy tiếp lấy nhau, cũng như Đấng Christ đã tiếp anh em, để Đức Chúa Trời được vinh hiển" (Rô-ma 15:7).
Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao có những ý kiến khác nhau thời các sứ đồ? Từ những ý kiến khác nhau này đưa đến kết quả giúp ích nào trong việc phát triển Hội Thánh? Từ bài học của Hội Thánh ban đầu, bạn rút ra điều gì áp dụng cho chính mình, cho Hội Thánh của bạn?
Bắt đầu chủ đề chia rẽ chúng ta cũng học đoạn Kinh Thánh này. Cảm tạ Chúa các vị sứ đồ đầu tiên đã được ơn và giải quyết vấn đề bất đồng một cách tốt đẹp. Hôm nay chúng ta học lại để thấy sự phong phú của Kinh Thánh để chúng ta biết chấp nhận những ý kiến khác nhau và từ đó rút ra bài học giúp gia đình, Hội Thánh tiến triển.
Ý kiến khác nhau cũng có thể là nguyên nhân gây ra chia rẽ. Khi khác ý nhau, chúng ta có thể tranh cãi và rồi có thể giận hờn nhau, chia rẽ nhau. Tuy nhiên, ở đời, dù trong tập thể nào, mọi người không thể nào có cùng chung một ý nghĩ trong mọi vấn đề được. Tục ngữ Việt Nam có câu: "Chín người, mười ý." Vậy thì làm sao chúng ta có thể hiệp nhất được?
Có người nghĩ rằng để tránh chia rẽ, chúng ta đừng có nêu lên ý kiến khác biệt nhau, cứ nghe ai nói sao cũng đồng ý hết, đừng tranh cãi gì hết. Cách này không những không thực tiễn mà còn tai hại. Không thực tiễn vì làm sao chúng ta có thể im lặng, thỏa hiệp khi thấy những việc trái tai gai mắt. Tai hại là vì thiếu bàn cãi sẽ khiến cho chúng ta dễ sai trật, một chiều.
Thật ra, con cái Chúa trong Hội Thánh thường có những bất đồng ý kiến. Những người sâu nhiệm trong Chúa cũng có những bất đồng ý kiến. Sự khác biệt ý kiến tự nó không phải là điều tai hại, mà đôi khi đem lợi ích. Vì nhờ nhiều ý kiến khác nhau mà chúng ta có thể có nhiều phương cách sáng suốt, cẩn thận tìm ra giải pháp tốt đẹp, đường hướng phát triển hơn là ý kiến của chỉ một người.
Phân đoạn Kinh Thánh chúng ta đọc hôm nay ghi lại sự bất đồng ý kiến trong vòng con dân Chúa trong thời kỳ các sứ đồ. Một số người chủ trương rằng người ngoại quốc tin Chúa Giê-xu cần phải chịu lễ cắt bì giống như người Do Thái thì mới được cứu rỗi, trong khi đó sứ đồ Phao-lô và Ba-na-ba thì nhất quyết rằng người ngoại quốc không cần chịu cắt bì. Chúng ta thấy hai bên không làm thinh, nhưng đã tranh cãi nhau dữ dội. Cuộc tranh cãi không đi đến thỏa thuận, cho nên Hội Thánh phải đem vấn đề này về Giê-ru-sa-lem để các sứ đồ cùng các trưởng lão bàn bạc, xem xét. Sau khi nghiên cứu vấn đề và tìm cầu ý Chúa, các sứ đồ đã có một kết luận thống nhất. Sau đó họ ra một chỉ thị để dẹp yên các cuộc tranh cãi và đem hiệp nhất đến cho Hội Thánh khắp nơi.
Trên đây là sự việc quan trọng cần phải thống nhất tư tưởng. Tuy nhiên cũng có nhiều việc không quan trọng, không thể hoặc không cần thống nhất tư tưởng. Chẳng hạn như đối với vấn đề ăn uống tại Hội Thánh Rô-ma (14:1-12), thì Sứ đồ Phao-lô khuyên mọi người hãy tôn trọng nhau dù họ có những ý kiến khác biệt nhau. Có người đưa ra nguyên tắc sau đây:
Những điều hệ trọng thì cần phải đồng nhất
Những điều không hệ trọng thì có thể đa dạng
Trong tất cả mọi việc cần phải nhân từ.
Bạn có những bất đồng ý kiến với những người khác trong gia đình, trong Hội Thánh chăng? Bạn có dịp trao đổi, bàn thảo về những bất đồng ấy chưa? Những bất đồng ấy có liên quan đến những điều thật hệ trọng hay chỉ là những điều không có gì quan trọng? Hãy nhờ Chúa giải quyết những bất đồng để có thể đến chỗ hoặc thống nhất ý tưởng, hoặc chấp nhận những khác biệt nhau. Hãy nhờ ơn Chúa mà đối xử với nhau trong nhân từ độ lượng hầu cho những bất đồng ý kiến không khiến chúng ta chia rẽ và tan rã.
Khi đối diện với những bất đồng ý kiến, tôi dựa trên căn bản nào để giải quyết vấn đề?
Lạy Chúa xin giúp con nhìn những vấn đề xảy đến cho con, cho Hội Thánh trong tình yêu thương, nhân từ và tìm giá trị, ích lợi chung.
(c) 2024 svtk.net