"Nếu chính ngươi đã bị cắt khỏi cây ô-li-ve hoang thuận tánh mình, mà được tháp vào cây ô-li-ve tốt nghịch tánh, thì huống chi những kẻ ấy là nhánh nguyên sẽ được tháp vào chính cây ô-li-ve mình!" (câu 24).
Câu hỏi suy ngẫm: Trong phân đoạn này, "nhánh nguyên" ám chỉ đến ai? Chương trình của Đức Chúa Trời cho các "nhánh nguyên" là gì? Bạn có quan tâm và yêu thương tuyển dân của Đức Chúa Trời không?
Kết luận đầu tiên là: Đức Chúa Trời đã không từ bỏ Ít-ra-ên, dù vậy Ít-ra-ên đang ở dưới sự đoán phạt kinh khiếp. Giờ đây Phao-lô hỏi: Nếu vậy thì chúng ta có xóa bỏ Ít-ra-ên và chỉ chờ đợi sự đoán phạt giáng xuống không? Hay là, như ông viết: "Có phải dân Ít-ra-ên vấp chân dường ấy hầu cho té xuống chăng?" (câu 11).
Một lần nữa, câu trả lời của ông là "Chẳng hề như vậy!" Và trong phân đoạn này ông khai triển câu trả lời này bằng hai cách, trước hết trong mối liên hệ với chức vụ của ông (câu 11-16), và rồi trong mối liên hệ với các độc giả ngoại bang của ông (câu 17-24).
Mặc dù ông bị nhiều kẻ thù buộc tội về điều này, Phao-lô vẫn không xóa bỏ Ít-ra-ên. Ông nhìn thấy mục đích của Đức Chúa Trời phía sau sự mất gốc đáng sợ này: kết quả, đúng như Phục-truyền Luật-lệ Ký Luật Lệ Ký 32:21, Phúc Âm đã đến với dân ngoại bang! Và điều này đồng thời tạo ra một sự mong mỏi Ít-ra-ên sẽ bị "trêu sự phân bì," và ăn năn. Vì vậy, Phao-lô nói, "tôi cố sức" để giục họ có phản ứng này. Như vậy, có lẽ ông muốn nói rằng ông chụp lấy mọi cơ hội để trình bày cho đồng bào Do Thái của ông kết quả vinh hiển của Phúc Âm, được bày tỏ trong đời sống của dân ngoại vốn được biến cải bởi đức tin trong Đấng Mết-si-a của Ít-ra-ên.
Vì vậy, giờ đây các độc giả của ông không được xóa bỏ Ít-ra-ên. Trong câu 17-24 ông công kích mọi hình thức "khoe mình" (câu 18) hay "kiêu ngạo" (câu 20). Trên thực tế họ nói rằng, "người Do Thái đã làm hỏng mọi sự, vì vậy Đức Chúa Trời chọn chúng ta là dân ngoại!" Phao-lô phản đối điều này. Nó cho thấy một sự thiếu hiểu biết đúng đắn về gốc rễ. Nếu luật pháp và Phúc Âm cùng đứng với nhau như ông đã biện luận trong chương 10, thì Hội Thánh và con dân Đức Chúa Trời trong Cựu Ước phải được bện vào nhau cùng một cách ấy. Chúng ta thuộc về nhau, vì vậy phải cùng có lòng khao khát của Phao-lô, mong muốn sự cứu rỗi cho những "nhánh nguyên" này.
Tôi có thể góp phần đem Phúc Âm đến cho tuyển dân Chúa bằng cách nào?
Lạy Chúa, xin thêm lên trong con lòng yêu thương đối với tuyển dân của Chúa. Xin giúp con đến với họ trong tình yêu, để họ thấy tình yêu của Chúa và tìm được ân sủng Chúa.
(c) 2024 svtk.net