"Anh em hãy tiếp lấy nhau, cũng như Đấng Christ đã tiếp anh em" (Rô-ma 15:7).
Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao Phi-e-rơ bị các tín hữu tại Giê-ru-sa-lem chỉ trích? Họ đã chấp nhận đáp ứng của Phi-e-rơ như thế nào? Hình thức chia rẽ nào vẫn còn hiển nhiên trong Hội Thánh của bạn? Nó làm chậm sự tăng trưởng của Hội Thánh ra sao?
Thành kiến của chúng ta thường ăn rất sâu. Chúng ta cần Đức Chúa Trời thay đổi lòng và trí chúng ta, giúp chúng ta nhìn thấy người khác như Ngài nhìn thấy họ.
Phi-e-rơ đối diện với thách thức để giúp đỡ các bạn tín hữu của ông nhìn thấy lẽ thật về sự chấp nhận của Đức Chúa Trời. Các tín hữu Do Thái tại Giê-ru-sa-lem đã nghe tin đồn về những gì xảy ra tại Sê-sa-rê, và họ không vui với hành động của Phi-e-rơ. Ăn uống với người Ngoại Bang sao? Làm thể nào ông ấy giải thích cho sự vi phạm lễ nghi nghiêm trọng đó?
Nguồn gốc của người Do Thái đã nuôi dưỡng lòng tin quyết sâu sắc của họ về sự tuyệt giao với người Ngoại Bang. Bài học then chốt mà họ phải học nơi Phi-e-rơ ngày hôm đó là bài học mà chúng ta cũng cần nhấn mạnh trong Hội Thánh của chúng ta nữa: Hãy tiếp nhận nhau như Đấng Christ đã tiếp nhận anh em (Rô-ma 15:7).
Phi-e-rơ bắt đầu bằng cách thuật lại câu chuyện. Ông cẩn thận nhấn mạnh không những việc Đức Thánh Linh đã chỉ dạy ông, mà cũng nhấn mạnh việc ông hồi tưởng lại ý nghĩa sự dạy dỗ của Chúa Giê-xu về sự tiếp nhận Đức Thánh Linh (Công-vụ các Sứ-đồ 1:5). Sau đó là tuyệt điểm của ông - "Vậy, nếu Đức Chúa Trời đã ban cho họ cũng một ơn như cho chúng ta, thì ta là ai mà ngăn trở Đức Chúa Trời được?" (câu 17).
Điều đặc biệt gây ấn tượng sâu sắc là cách dủ bỏ những thành kiến đối với các tín hữu Ngoại Bang nhờ sự giải thích của Phi-e-rơ. Các tín hữu Do Thái không còn chỉ trích Phi-e-rơ nữa nhưng tôn vinh Đức Chúa Trời về những gì đã xảy ra (câu 18). Chính sự thay đổi tấm lòng đã nói lên rất nhiều về lòng rộng lượng của các tín hữu đó.
Học tập để tiếp nhận những người Đức Chúa Trời đã tiếp nhận là điều rất cần ngày nay. Dường như những rạn nứt đang lan tràn khắp đó đây, Hội Thánh cần nhờ ơn Chúa để chứng tỏ sự hiệp một thật sự.
Tôi có dễ dàng thay đổi thành kiến về một người, về sự kiện nào không? Điều tôi cần làm là gì?
Lạy Chúa, xin dạy chúng con cách nào để yêu thương và tiếp nhận nhau. Xin tình yêu của Chúa đổ đầy lòng con để con tiếp nhận các tín hữu với lòng yêu thương thật sự.
(c) 2024 svtk.net